Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng tạo bước đột phá phát triển TP. Buôn Ma Thuột

08:00, 16/11/2022

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận một số ý kiến, kỳ vọng của cử tri đối với Nghị quyết này.

Tranh thủ thời gian, tạo điều kiện và phát huy cao nhất trong triển khai cơ chế đặc thù

Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

 

Từ năm 2011, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 60-KL/TW về phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Tôi nghĩ đó là sự quan tâm rất đúng mực của Trung ương đối với vai trò, vị trí của TP. Buôn Ma Thuột và trên cơ sở đó thành phố xét lại đề án quy hoạch phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơ chế đặc thù chỉ có thời gian nhất định chứ không phải là đặc thù mãi mãi. Vì vậy, phải hết sức tranh thủ thời gian, tạo điều kiện và phát huy cao nhất, nỗ lực triển khai cơ chế đặc thù với nhiều chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện từng ngành, từng lĩnh vực để có điều kiện phát triển, hợp thành sức mạnh tổng hợp xây dựng Buôn Ma Thuột thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên.

Biến những lợi thế so sánh trở thành lợi thế cạnh tranh

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên

 

TP. Buôn Ma Thuột trước đến nay được gọi là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk và trung tâm của vùng Tây Nguyên để chỉ về yếu tố địa lý thôi. Trên thực tế, để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội... cùng với các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế thì cần phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Một điều rất rõ ràng là Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung có nhiều tiềm năng. Nhưng những tiềm năng này mới chỉ ở dạng lợi thế so sánh. Cho nên để Buôn Ma Thuột thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên thì phải biết biến những lợi thế so sánh trở thành lợi thế cạnh tranh.

Tôi nghĩ rằng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột vừa được Quốc hội thông qua sẽ là đòn bẩy, góp phần giúp biến những yếu tố lợi thế, tiềm năng của địa phương thành lợi thế cạnh tranh để vươn lên, trở nên nổi bật, vượt trội hơn… Và khi TP. Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị trung tâm thì các đô thị khác sẽ trở thành đô thị vệ tinh  nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa và con người vùng Tây Nguyên.

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển An Thái

 

Tôi cho rằng, khi áp dụng cơ chế đặc thù cho một thành phố thì những điều kiện, những cơ chế ưu đãi được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, du lịch, văn hóa, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực… đều được nâng lên. Khi tất cả những điều kiện này được nâng lên thì hạ tầng xung quanh, hay gọi là hệ sinh thái xung quanh các doanh nghiệp được cải thiện rất nhiều và như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề đầu tư.

Là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chế biến sâu, xuất khẩu các sản phẩm cà phê và các sản phẩm nông sản ở tỉnh Đắk Lắk và ở Buôn Ma Thuột, chúng tôi thấy việc ban hành Nghị quyết là một trong những tín hiệu vui và cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tại địa phương an tâm hơn trong việc phát triển, xây dựng, củng cố các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như các sản phẩm nông sản, và đặc biệt là cà phê. Bởi vì trong Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, chúng tôi thấy rằng, Quốc hội, Chính phủ có sự quan tâm riêng cho cây cà phê, ngành cà phê. Và điều này một lần nữa cũng khẳng định rằng cây cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực, sản phẩm chiến lược và sản phẩm bền vững để giúp cho việc xây dựng, phát triển kinh tế địa phương và phát triển doanh nghiệp.

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc