Multimedia Đọc Báo in

Tổ hợp tác - cơ hội làm giàu cho thanh niên

08:20, 22/11/2022

Tháng 3/2018, THT Nông sản sạch Quảng Tiến (xã Quảng Tiến) thành lập với 7 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có chung đam mê làm kinh tế nông nghiệp. Từ định hướng ban đầu là sản xuất rau củ quả, sau một thời gian hoạt động, nắm bắt nhu cầu thị trường, THT chuyển đổi sang chăn nuôi bò khép kín, trồng nấm bào ngư và chế biến các loại nông sản như: chuối sấy ép dẻo, trà mãng cầu... 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Tổ phó THT cho hay, trên địa bàn xã Quảng Tiến có nhiều gia đình trồng chuối, mãng cầu xen trong vườn cà phê. Đến vụ thu hoạch, chuối, mãng cầu chín tiêu thụ không kịp nên được bán với giá rất rẻ. THT đã ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu với các chủ vườn và đầu tư hai máy sấy, làm ra sản phẩm chuối sấy dẻo, trà mãng cầu... Sản phẩm sau khi chế biến, đóng gói có giá bán 100.000 đồng/kg chuối sấy dẻo, 300.000 kg/trà mãng cầu. Trong năm 2022, THT cung ứng ra thị trường ước khoảng 3 tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 90 triệu đồng.

Sản phẩm chuối sấy dẻo và trà mãng cầu của Tổ hợp tác Nông sản sạch Quảng Tiến (xã Quảng Tiến).

Tại xã Ea M’droh, tháng 5/2022, THT Thanh niên Đại Dương cũng được thành lập để tìm hướng phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi gà, trồng ổi, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp cây giống và các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp... Anh Nguyễn Văn Dương, Tổ trưởng THT chia sẻ, trước khi tham gia THT, anh đầu tư chuồng trại khép kín để nuôi gà thương phẩm, sau đó nuôi thêm gà đẻ trứng. Nuôi gà vừa tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp như cám, ngô, rau, củ, quả, vừa có nguồn phân để bón cho cây trồng. 

Huyện Cư M’gar hiện có 3 mô hình THT thanh niên. Mỗi THT có sản phẩm nông nghiệp đa dạng, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 6 - 9 thanh niên với thu nhập từ 40 - 100 triệu đồng/năm.

Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi gà của anh Dương, Đoàn xã Ea M’droh đã nhân rộng mô hình, thành lập THT Thanh niên Đại Dương, có thêm 5 thành viên khác tham gia vào tổ. Để hỗ trợ thanh niên có thêm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, Huyện Đoàn đã tạo điều kiện cho THT vay 50 triệu đồng. Riêng mô hình nuôi gà đẻ trứng, đến nay, đàn gà lên đến hơn 1.000 con, mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 800 quả trứng. Vừa tìm cách phát triển hoạt động chăn nuôi, các thành viên THT Thanh niên Đại Dương còn tăng cường quảng bá, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm thông qua các kênh thương mại điện tử, trang mạng xã hội Zalo, Facebook... 

Tìm hướng phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn gắn liền với khai thác tiềm năng, lợi thế có sẵn ở địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, định hướng của Ban Thường vụ Huyện Đoàn Cư M'gar, được các Đoàn cơ sở tích cực hưởng ứng. Cụ thể hóa chương trình này, Huyện Đoàn đã vận động, tuyên truyền, rà soát các thành phần kinh tế trên địa bàn do thanh niên làm chủ để thành lập các mô hình kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa các thanh niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, giải quyết việc làm cho ĐVTN.

Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng tại Tổ hợp tác Thanh niên Đại Dương.

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Huyện Đoàn luôn sâu sát và định hướng thanh niên phát triển các THT dựa trên thế mạnh có sẵn của địa phương. Song song với đó, quan tâm tạo điều kiện cho các THT vay vốn để có thêm động lực tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế; tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tổ chức cho ĐVTN tham gia học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế tiêu biểu...

Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar khẳng định, bước đầu các mô hình THT của thanh niên đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, truyền cảm hứng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho các bạn trẻ. Quan trọng hơn, THT đã phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau của thanh niên. Thông qua các THT đã thu hút, tập hợp đoàn viên tham gia tích cực vào các hoạt động của Đoàn, xây dựng mối đoàn kết ở địa phương. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.