Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Ea Sar: Tập trung "gỡ khó" để về đích

08:26, 22/11/2022

Ea Sar là xã thuộc khu vực III, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu cán đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2024, xã Ea Sar đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các tiêu chí.

Huy động sức dân phục vụ cho dân

Hội trường của thôn 9, xã Ea Sar được xây dựng từ năm 2004, chỉ với 54 m2, đến nay đã xuống cấp, trong khi đó, dân số của thôn hiện có 202 hộ với 821 khẩu nên với không gian chật hẹp của hội trường không đáp ứng được nhu cầu phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thôn đã tổ chức họp dân, phát huy phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” để người dân cùng đánh giá, phân tích rõ hiện trạng, nhu cầu, đóng góp ý kiến về phương án huy động sức dân, cách thức xây dựng...

Ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập gồm những người đứng đầu cấp ủy, ban tự quản, ban công tác Mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín trong thôn vừa làm công tác tuyên truyền, vận động, thu tiền vừa kiểm tra, giám sát quá trình thi công công trình.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở thôn 10 (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) có thu nhập cao và ổn định nhờ chuyển đổi sang  trồng vải.

Trưởng thôn 9 Vũ Văn Tạo cho biết, người dân được phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể, hiểu rõ việc xây dựng NTM là để phục vụ chính họ nên đã đồng thuận đóng mỗi hộ 1,5 triệu đồng, có hộ còn ủng hộ thêm 10 triệu đồng cho thôn để xây dựng hội trường. Sức dân còn được thể hiện qua việc các hộ sẵn sàng hiến đất, di dời hàng rào, chặt bỏ cây cối để giải phóng mặt bằng, mở rộng các tuyến đường cũng như đóng góp tiền để làm đường bê tông.

Không chỉ tại thôn 9, từ công tác tuyên truyền, vận động, khéo léo khơi nguồn nội lực, xã Ea Sar đã tạo phong trào thi đua sôi nổi trong triển khai chương trình xây dựng NTM. 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn, là xã vùng III, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, giao thông là một thách thức đối với địa phương. Để từng bước “gỡ” nút thắt trong việc thực hiện tiêu chí này, trong những năm qua, ngoài việc vận động người dân tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu, công trình trên đất, đóng góp ngày công..., Ea Sar còn phát huy quy chế dân chủ cơ sở theo Pháp lệnh 34, tổ chức họp toàn thể nhân dân về việc đóng góp vốn vào Quỹ NTM. Từ năm 2013 đến nay, mỗi hộ trên địa bàn xã đã đóng góp 300.000 đồng/năm, các hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được miễn, giảm. Nguồn quỹ này được thu, gửi vào kho bạc, hằng năm, xem xét hỗ trợ kinh phí cho các thôn, buôn để xây dựng hội trường, xây dựng, sửa chữa đường giao thông...

Chú trọng phát triển sản xuất

Với đặc điểm địa bàn không được thiên nhiên ưu đãi, toàn xã có hơn 5.000 ha đất sản xuất nhưng chỉ có 1 công trình thủy lợi là hồ Bằng Lăng ở thôn 6. Đời sống của người dân vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Trong số bốn tiêu chí "khó" trong xây dựng NTM mà xã chưa đạt, có tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Vì vậy, xã đã chú trong các giải pháp phát triển sản xuất, trong đó tập trung khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhận thấy, cây vải phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao, xã đã xây dựng mô hình, khuyến khích người dân tham gia. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã đầu tư kinh phí, hỗ trợ xây dựng 12 mô hình.

Cán bộ nông ngiệp xã Ea Sar (huyện Ea Kar) thăm mô hình trồng vải của gia đình chị Phạm Thị Thúy ở thôn 6.

Chị Phạm Thị Thúy ở thôn 6, một trong những nông hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho biết, do nguồn nước không ổn định, đất đai kém màu mỡ nên 2 ha cà phê, tiêu của gia đình cho năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế. Được xã tuyên truyền, vận động, từ năm 2018, gia đình chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng vải. Đến nay, vườn vải của gia đình chị đã có 1 ha bước vào thời kỳ kinh doanh, thu hoạch được khoảng 10 tấn/vụ, thương lái mua tận vườn với giá cao, trên 35.000 đồng/kg, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho hay, đến nay toàn xã đã phát triển được 300 ha vải với sản lượng trung bình 120 tấn/năm, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân, góp phần từng bước hoàn thành tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo. Hiện, xã Ea Sar đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí NTM, với nhiều giải pháp mà đảng bộ, chính quyền, nhân dân đang đồng lòng cùng chung sức thực hiện sẽ góp phần bảo đảm chương trình xây dựng NTM của xã cán đích đúng thời hạn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.