Multimedia Đọc Báo in

Nới room tín dụng: Doanh nghiệp chờ được "tiếp sức"

08:15, 16/12/2022

Ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Với mức tăng này, sẽ có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ giúp các TCTD có thêm dư địa để cho vay, các doanh nghiệp (DN) được tiếp thêm vốn cho sản xuất, kinh doanh thời điểm cuối năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự điều chỉnh này là bước đi phù hợp khi áp lực lãi suất, tỷ giá đã giảm, thanh khoản hệ thống ổn định hơn, trong khi nhu cầu vốn của người dân, DN giai đoạn cuối năm rất lớn. Điều này thể hiện thông điệp của NHNN là điều hành linh hoạt theo diễn biến thực tế để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Ea Kmut, huyện Ea Kar.

Từ đầu năm đến nay, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 70.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 135.500 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm. Trước đó, NHNN chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại cân đối, tập trung vốn phục vụ người dân, DN sản xuất cà phê niên vụ 2022 – 2023 và các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết nguồn vốn cho vay hơn 8.000 tỷ đồng. Động thái này cùng với việc các TCTD được nới room tín dụng nhìn chung là tin vui với DN, giúp giải "cơn khát" vốn dịp cuối năm.

 

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 vào đầu tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; tăng hạn mức tín dụng hợp lý, công khai, minh bạch, an toàn, tập trung tín dụng cho ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số DN cho rằng, với mức vốn khá khiêm tốn này, khả năng sẽ không có nhiều DN tiếp cận được và mức vay là không cao. Bên cạnh đó, những DN không quá bức bí về tài chính ở thời điểm này sẽ chờ sang năm 2023 để vay vốn vì hiện cũng đã sắp có room tín dụng cho năm mới. Chưa kể, mặc dù một số ngân hàng đã giảm lãi suất nhưng DN cho rằng mức lãi suất vẫn cao, việc mở rộng đầu tư kinh doanh nếu gặp rủi ro thì lợi nhuận sẽ không đủ bù lãi suất vay, nên họ cũng cân nhắc kỹ trước khi vay. Do đó, theo các DN, cùng với việc nới room tín dụng, NHNN cũng cần xem xét hạ lãi suất vay nhằm tạo thuận lợi cho người vay để đồng vốn thực sự được hấp thụ vào nền kinh tế, phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bà Võ Thị Mỹ An, giám đốc một DN chế biến nông sản tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thời điểm này, đơn vị đang cần vốn để thanh toán cho các các hợp đồng, đơn hàng, trả lương, thưởng cuối năm, hay chuẩn bị cho các lô hàng sẽ giao đầu năm mới. Tuy nhiên, để DN tiếp cận vốn một cách thuận lợi, thì ngân hàng nên nới lỏng một số tiêu chí như: có tài sản đảm bảo, hoạt động kinh doanh có lãi, phương án kinh doanh khả thi và không có lịch sử nợ xấu. Bên cạnh đó, cùng với nới room tín dụng của ngành ngân hàng, các cơ quan thuế cũng cần có thêm các chính sách giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ, tiếp sức cho DN.

Nới room tín dụng giúp ngân hàng có thêm dư địa cho vay dịp cuối năm. Trong ảnh: Giao dịch tại một đơn vị thuộc hệ thống Vietcombank.

Để đồng vốn đi vào nền kinh tế nhanh chóng và hiệu quả, NHNN đã yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào các động lực tăng trưởng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ… Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho DN và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.