Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Bông: "Vướng” tiêu chí thu nhập và hộ nghèo

08:04, 15/12/2022

Là địa phương khó khăn của tỉnh, huyện Krông Bông đã tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tuy nhiên vẫn đang “vướng” nhiều tiêu chí, nan giải nhất là tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo.

Khó... tăng thu nhập và giảm hộ nghèo

Đến nay, huyện Krông Bông đã đạt 167/247 tiêu chí NTM (tăng 8 tiêu chí so với cuối năm 2021), bình quân mỗi xã đạt 12,85 tiêu chí. Trong đó, chỉ mới có xã Hòa Sơn đạt chuẩn NTM vào năm 2021, còn lại 12 xã đều gặp khó, đang loay hoay tìm hướng cải thiện các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo.

Nông dân xã Hòa Sơn chăm sóc cây vải.

Đơn cử, xã Cư Pui có 2.665 hộ dân, với 14.406 nhân khẩu sinh sống ở 13 thôn, buôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 90% (chủ yếu là người Mông). Là xã vùng 3, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, xã đã nỗ lực giảm nghèo, đầu tư an sinh xã hội thông qua nguồn lực từ các chương trình, dự án, kết nối các nhà hảo tâm trao sinh kế cho người nghèo; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển sản xuất... Song, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm 56%, cận nghèo chiếm 14%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 20 triệu đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, địa phương đang “đau đầu” với tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí thu nhập. Nguyên nhân là do địa bàn có đông đồng bào DTTS, nhận thức của người dân hạn chế, đất đai thì khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, phương thức sản xuất lạc hậu... Thêm vào đó là tình trạng sinh đông, trung bình mỗi gia đình có từ 5 – 6 nhân khẩu, nhiều hộ không có đất ở, đất sản xuất dẫn đến con cái khi trưởng thành, lập gia đình cũng khó khăn theo. Thế nên dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, song kết quả giảm nghèo vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, khả năng hoàn thành các tiêu chí này rất khó. Theo ông Tâm, phương án thiết thực, bền vững hiện nay là cần thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các công ty, xí nghiệp phát triển trên địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tương tự, xã Dang Kang cũng đang đối mặt với bài toán về tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 36%, cận nghèo 16%, như vậy để giảm được tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chuẩn nghèo đa chiều lại càng khó khăn. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 22 triệu đồng/năm, bằng ½ so với mức thu nhập bình quân trong bộ tiêu chí NTM. Do vậy, địa phương chỉ mới hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM.

Tạo chuyển biến từ sản xuất

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thu nhập và hộ nghèo được huyện Krông Bông đánh giá là hai tiêu chí "mềm" quan trọng, dễ bị “lung lay” và có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Hoàn thành những tiêu chí này sẽ tạo tiền đề, thuận lợi cho việc thực hiện các tiêu chí khác trong quá trình xây dựng NTM. Do đó, địa phương xác định tập trung thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tạo đột phá trong sản xuất, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, quy trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị... là giải pháp thiết thực góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. 

Nông dân xã Yang Reh (huyện Krông Bông) chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực cho hay, để hiện thực hóa giải pháp này, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025 và giao cho Phòng NN-PTNT huyện triển khai quy hoạch, hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, dự án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng xã để tạo hiệu quả trong sản xuất.

Dựa vào lợi thế của địa phương, Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ người dân các xã Hòa Sơn, Hòa Thành, Dang Kang liên kết xây dựng vùng chuyên canh trồng vải thiều với diện tích gần 200 ha. Mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ mở rộng diện tích vải lên 500 ha, sản xuất theo quy trình VietGAP và phối hợp với Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (huyện Krông Pắc) để chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh tiềm năng từ cây vải, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, năng suất cho gần 1.000 ha cây dứa đồi, tập trung ở các xã: Cư Drăm, Cư Pui và Yang Mao; nhân rộng các mô hình trồng cây dổi và cây thuốc lá có hiệu quả kinh tế cao…

Đối với chăn nuôi, địa phương tăng cường phương pháp nuôi bò nhốt chuồng và hỗ trợ bò đực giống 3B, Angus... cho người dân, nhằm cải tạo giống bò cỏ địa phương phát triển thành các loại bò chuyên thịt, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị ở các xã Hòa Sơn, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Cư Kty; hỗ trợ dê sinh sản cho một số hộ dân và đánh giá hiệu quả phát triển để có định hướng cụ thể…

Bên cạnh đó, huyện tích cực xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, tiếp tục trợ lực cho sản phẩm Gạo sạch Thăng Bình, Cơm cháy Su Su, Chả lụa Hùng Tý đã đạt Chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh phát triển; đồng thời hỗ trợ 18 sản phẩm đang được đánh giá tiềm năng của địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn để tiến tới đạt OCOP cấp tỉnh.

Từ những phương án, cách thức triển khai phù hợp với thực tế, bám sát đời sống người dân, huyện Krông Bông đang nỗ lực tạo đà cho phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống người dân và phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có thêm xã Hòa Thành, Khuê Ngọc Điền và Hòa Lễ đạt chuẩn NTM..

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.