Tăng tốc sản xuất hàng Tết
Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng tăng mạnh so với ngày thường. Do đó, thời điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang chạy đua để tăng tốc sản xuất, cung cấp hàng hóa ra thị trường.
Những ngày này, cơ sở sản xuất nhang Hải Hà tại khối 3 (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) luôn tất bật để chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết. Chúng tôi đi đến đầu hẻm đã nghe phảng phất mùi hương thảo mộc. Những bó tăm nhang xòe đỏ rực được phơi trên những chiếc giàn từ trong sân ra ngoài ngõ. Bên trong cơ sở sản xuất, 10 công nhân đang chạy đua với công việc, người quấn nhang, người dán nhãn, người đóng gói sản phẩm.
Sản xuất hàng phục vụ thị trường dịp Tết tại cơ sở nhang Hải Hà. |
Ông Phạm Văn Hải, chủ cơ sở sản xuất nhang quê ở tỉnh Nam Định, vào Đắk Lắk từ năm 1982 và mang theo nghề làm nhang gia truyền. Chân nhang được nhập từ một làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Các loại thảo mộc làm hương liệu cũng được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào, pha trộn theo công thức gia truyền. Ông Hải cho biết, nhang được dùng để thờ cúng nên người thợ phải có tâm, làm một cách cẩn thận, sạch sẽ từ sơ chế nguyên liệu đến hoàn thiện, đóng gói sản phẩm. Cơ sở hoạt động quanh năm, nhưng sản xuất nhiều hơn vào các tháng mùa khô, đặc biệt thời điểm gần Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng gấp đôi nên ông phải huy động nhân công làm thêm ca đêm mới đủ hàng giao cho khách. Sản phẩm được bỏ mối tại các chợ ở TP. Buôn Ma Thuột cũng như các huyện, thị xã.
Theo Sở Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá trị tổng sản phẩm công nghiệp đạt 6.089 tỷ đồng, tương đương 108% kế hoạch, tăng 22,12% so với năm 2021. Chỉ số ngành công nghiệp tăng mạnh do sản lượng điện sản xuất tăng 20%, các cơ sở chế biến, chế tạo hoạt động ổn định trở lại trong trạng thái bình thường mới, thị trường tiêu thụ mở rộng. Trong tháng 12/2022 và nửa đầu tháng 1/2023, các doanh nghiệp, cơ sở sẽ tập trung hoàn tất các đơn hàng để phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Cơ sở sản xuất trái cây sấy theo công nghệ thăng hoa của Công ty Cổ phần nông sản N&H, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) thời điểm này cũng tất bật hơn bởi những đơn quà Tết. Doanh nghiệp chế biến 10 loại trái cây và các sản phẩm từ gạo đen, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trong toàn quốc. Nhận định nhu cầu thị trường Tết sẽ tăng gấp đôi, nên từ ba tháng trước, công ty đã chủ động sản xuất, dự trữ nguồn hàng tốt, bảo đảm chất lượng. Ngoài các loại trái cây sấy đóng hộp riêng lẻ, doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm gói quà Tết, giá trị từ 200.000 – 1.000.000 đồng/gói để phục vụ khách hàng. Do đó, từ tháng 12/2022, công nhân phải làm thêm giờ để hoàn thành các đơn hàng.
Chị Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty cho hay, sản phẩm trái cây của công ty có ưu thế là không có đường công nghiệp, có vị ngọt tự nhiên và không sử dụng chất bảo quản nên được khách hàng ưa chuộng, phù hợp với nhu cầu thưởng thức và làm quà. Nhiều cửa hàng, siêu thị đã tăng số lượng đặt hàng để phục vụ cho thị trường Tết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị nguyên vật liệu để sản xuất 10.000 cái bánh chưng từ gạo lứt, cung cấp cho thị trường thời điểm cận Tết.
Công nhân đóng gói sản phẩm trái cây sấy tại Công ty Cổ phần nông sản N&H. |
Theo dự báo, sức tiêu thụ trên thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 sẽ tăng khoảng 20%. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hơn 1.510 tỷ đồng.
Theo đó, Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi sát diễn biến, thông tin thị trường, tình hình cung cầu để điều phối hàng hóa khi thị trường có biến động, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Về công tác dự trữ hàng hóa, phải bảo đảm cung ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đối với các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại chủ động lên kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên nhiên vật liệu nhằm bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt; triển khai các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức thực hiện các đợt bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc