Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư các tuyến cao tốc: Cơ hội bứt phá cho Tây Nguyên

04:49, 23/01/2023

Bộ Chính trị xác định, đến năm 2030, vùng Tây Nguyên  sẽ hoàn thành 5 dự án cao tốc quan trọng. Các tuyến cao tốc này được kỳ vọng tạo bứt phá cho sự phát triển của vùng, đặc biệt sẽ kết nối vùng với các cảng biển duyên hải miền Trung và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đường đến biển không còn xa

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 có tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng khoảng 156.000 tỷ đồng.

Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với tổng chiều dài 117,5 km qua hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk,  tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó, tỉnh Đắk Lắk được giao làm đơn vị chủ quản Dự án thành phần 3 (điểm đầu tại Km69+500 đoạn qua huyện Ea Kar, điểm cuối tại Km117+500 đoạn qua huyện Krông Pắc).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tại Quyết định số 1847/QĐ-UBND, ngày 17/8/2022, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án thành phần 3 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh). Hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đã và đang được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Công tác khảo sát đã hoàn thành 100% các hạng mục và đã tiến hành nghiệm thu. Các địa phương có Dự án đi qua như Krông Pắc, Ea Kar và Cư Kuin đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Chủ đầu tư đã hoàn thành việc ký hợp đồng triển khai công tác GPMB với Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện. Đồng thời đã làm việc với địa phương và bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác GPMB để giao cho các đơn vị dịch vụ công về đất đai chủ động triển khai thực hiện. Cùng với đó, Dự án thành phần 1, chiều dài 32 km do UBND tỉnh Khánh Hòa là đơn vị chủ quản và Dự án thành phần 2, chiều dài 37,5 km do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản cũng đã và đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư để kịp khởi công vào ngày 30/6/2023 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022.

Trong chuyến làm việc tại Đắk Lắk đầu tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đầu tư tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đồng thời tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành và địa phương liên quan, nhất là UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Đắk Lắk và Bộ GTVT khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, làm kịp tiến độ nhằm tránh tình trạng trượt giá, tăng kinh phí.

Kỳ vọng từ cao tốc

Bộ Chính trị xác định phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (như giao thông, y tế, giáo dục...) chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tại Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, Bộ GTVT cho rằng, vùng Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp, trong khi đó phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Vì vậy, triển khai các tuyến đường bộ cao tốc nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị khảo sát vị trí xây dựng cao tốc đoạn qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc.

Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên có hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển với 19 km đường cao tốc Liên Khương - Prenn (tỉnh Lâm Đồng) và hơn 3.000 km quốc lộ nối liền với các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ thông các trục dọc: Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, đường Trường Sơn Đông; các trục ngang: Quốc lộ 19, Quốc lộ 20, Quốc lộ 24, Quốc lộ 25, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 28, Quốc lộ 28B, Quốc lộ 29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến Quốc lộ 18B, Quốc lộ 78.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định không gian phát triển kinh tế của tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) gắn với tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên theo hành lang Quốc lộ 26, Quốc lộ 29 và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Nghị quyết cũng nêu rõ phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số dự án giao thông quan trọng, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc... Nghiên cứu tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa)... Cùng với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, các dự án cao tốc này được kỳ vọng để Tây Nguyên phát triển bứt phá trong tương lai.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.