Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ niềm đam mê nâng cao giá trị quả bơ

08:15, 03/01/2023

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học, chị Phạm Thị Thu Hằng về giảng dạy tại Trường THPT Phan Đình Phùng (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc).

Vốn thích mày mò, nghiên cứu, tận dụng thời gian rảnh rỗi, áp dụng những kiến thức đã được học, chị tìm hiểu những thứ liên quan đến nông sản, đặc biệt là quả bơ ở vườn nhà. Nhận thấy bơ có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe cũng như làn da của phụ nữ, chị ấp ủ ý tưởng đưa bơ vào thực phẩm, mỹ phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm.

“Tôi tìm cách liên hệ và gặp các chuyên gia trong các viện nghiên cứu khoa học để trao đổi chi tiết về cách chế biến bơ sau thu hoạch. Năm 2016, tôi gom bơ gửi đi khắp nơi làm thử nghiệm với mong muốn làm ra những sản phẩm như: dầu bơ, bột bơ, bơ sấy dẻo. Tuy vậy, sản phẩm bột bơ và bơ sấy dẻo trả về đắng ngắt, không thể đưa vào thực phẩm được, chỉ có dầu bơ là ổn nhất, nhưng giá thành khá cao. Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng đưa bơ vào mỹ phẩm”, chị Hằng chia sẻ.

Chị Phạm Thị Thu Hằng bên những sản phẩm tâm huyết của mình.

Năm 2017, chị bắt đầu sản xuất những sản phẩm đầu tiên gồm bột bơ và dầu bơ dùng để đắp mặt và thoa lên da, sản phẩm được nhiều người quen, bạn bè ủng hộ và phản hồi khá tốt. Tuy vậy, do chưa nắm được nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng, một thời gian sau, sản phẩm bán ra lẻ tẻ, thu không đủ chi. Cuối năm 2017, hàng gần như không bán được khiến chị phải dừng sản xuất. Nhận ra mình đang bán những cái mình có mà không bán những cái khách hàng cần, chị Hằng đã tham gia các khóa học sản xuất, chế tạo mỹ phẩm rồi nghiên cứu, tìm ra những công thức riêng của mình, sản xuất ra những sản phẩm đơn giản, tiện lợi mà khách hàng cần.

Nắm bắt được xu hướng người dân quan tâm đến những sản phẩm làm đẹp an toàn, cuối năm 2018, chị phát triển thêm các sản phẩm khác từ trái bơ như: son dưỡng, xà bông. Để quảng bá sản phẩm, học hỏi kinh nghiệm, chị tích cực tham gia các hội, nhóm khởi nghiệp, hội chợ, hội nghị kết nối sản phẩm, cuộc thi khởi nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm được lan tỏa và được nhiều người có kinh nghiệm trong kinh doanh góp ý để dần hoàn thiện hơn, cũng như giúp chị có thêm các mối quan hệ và cơ hội kinh doanh.

Đam mê kinh doanh, nhận thấy không thể làm tốt cả hai công việc cùng lúc, cuối năm 2019, chị Hằng quyết định nghỉ dạy học để dồn tâm huyết tập trung vào nghiên cứu và sản xuất. Tuy vậy, vừa bắt đầu tham gia được một số hội nghị kết nối thì mọi hoạt động giao thương của tỉnh đều bị ngưng trệ do dịch COVID-19. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng cơ hội lại mở ra khi giữa năm 2020, chị gặp người cộng sự có cùng tâm huyết và chí hướng với mảng bơ chế biến, đó là anh Đinh Huy Thắng (TP. Buôn Ma Thuột). Hai người cùng bắt tay vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm; đồng thời đầu tư máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất và thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột.

Anh Đinh Huy Thắng kiểm tra sản phẩm.

Công ty chọn dòng bơ booth để sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 6 ha, tập trung ở huyện Ea H'leo và Krông Pắc. Phân khúc khách hàng chính mà công ty hướng đến là phụ nữ từ 25 - 35 tuổi, yêu thích sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên, với 7 dòng sản phẩm gồm: son, kem chống nắng, muối tắm, dầu rửa mặt, dầu dưỡng, xà bông, mặt nạ ngủ. Với thông điệp "Đẹp thuần khiết", những sản phẩm thiên nhiên từ chính nguồn tài nguyên liệu bản địa của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang được nhiều khách hàng tin dùng. Nhờ đó, đến nay công ty đã phát triển được khoảng 80 đại lý nhiều cấp, không chỉ trong tỉnh mà còn ở ngoại tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng..., mang lại doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng.

Tại cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, dự án Pơ Lang (sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk) của chị Phạm Thị Thu Hằng cùng cộng sự đã đoạt giải Ba. Trước đó, năm 2020, dự án Pơ Lang đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.