Multimedia Đọc Báo in

Khơi thông nguồn lực cho phát triển

06:04, 21/01/2023

Cơ hội mà những cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội trao cho TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là rất lớn. Điều quan trọng còn lại là địa phương sẽ hành động, cụ thể hóa chính sách như thế nào để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật cho phát triển.

Hành động ngay để tận dụng cơ hội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, cơ chế, chính sách đặc thù có 3 nhóm nội dung với 5 chính sách cụ thể.

Để thực hiện được mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra là xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Nghị quyết số 103 của Chính phủ đã đề ra 32 nhiệm vụ, trong đó, hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai khoảng trên 10 nhiệm vụ.

Đáng chú ý là TP. Buôn Ma Thuột đang xây dựng đề án để thành phố trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”, đây là điểm nhấn để quảng bá hình ảnh địa phương và thu hút khách du lịch.

Trong chuỗi các công việc cần phải làm sau nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua và có hiệu lực thì đầu tiên tỉnh Đắk Lắk phải xây dựng kế hoạch hành động và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và thành phố để bắt nhịp, triển khai ngay, bởi vì thí điểm này chỉ có thời hạn 5 năm.

Trong quá trình triển khai nghị quyết của Quốc hội thì chắc chắn gặp những vướng mắc, do đó tỉnh sẽ chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ ngay, qua đó, đưa các chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Điều quan trọng nữa là công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân, các cấp, ngành, từ đó thực hiện những kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai nghị quyết này đạt được yêu cầu như mong muốn của Quốc hội.

Cơ chế chính sách đặc thù là động lực để TP. Buôn Ma Thuột phát triển mạnh trong những năm tới .

Theo TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk, chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là một chính sách tốt, nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với chính sách miễn thuế thu nhập, để khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành “thủ phủ ươm mầm phát triển” và ứng dụng khoa học thì tỉnh cần ban hành thêm các quy định, chính sách ưu đãi khác nhằm tập hợp, thu hút và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó, địa phương phải tạo lập môi trường làm việc dân chủ, tự do sáng tạo và công bằng để các chuyên gia, nhà khoa học có thể cống hiến trí tuệ, tài năng của mình, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội; có cơ chế đặt hàng, sử dụng các nhà khoa học trong tỉnh thực hiện các đề tài, dự án trọng điểm của tỉnh; xây dựng hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh các nhà khoa học, các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời, thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức...

Ngoài ra, cần áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù vào lĩnh vực mà địa phương đang cần để thúc đẩy, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn, qua đó phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đối với Đắk Lắk, với diện tích đất nông nghiệp lớn, do đó giải pháp quan trọng là chú trọng đầu tư xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, bảo quản (bơ, sầu riêng, cà phê, ca cao...) để nâng cao giá trị sản phẩm.

Mở lối cho doanh nghiệp đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, khi cơ chế này được thực thi sẽ tạo những điều kiện để TP. Buôn Ma Thuột huy động, tập trung các nguồn lực tiếp tục phát triển. Địa phương sẽ có nguồn lực mới để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng liên kết vùng. Từ đó tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, tạo thêm nguồn lực mới ngoài ngân sách cho đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên đã được xác định tại Kết luận 67 của Bộ Chính trị, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, với chính sách ưu đãi về thuế, quản lý quy hoạch của Quốc hội và những giải pháp cải cách hành chính của tỉnh, địa phương sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Nhà máy sản xuất cà phê xuất khẩu trong Khu công nghiệp Hòa Phú.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện cho biết, nhìn trên phương diện là một nhà đầu tư, một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có tác động tích cực đến thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển các dự án, lĩnh vực đầu tư về sản xuất, chế biến nông sản, trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch... vốn là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Chính sách ưu đãi thuế sẽ giảm áp lực nộp thuế cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp hoặc giai đoạn khó khăn để tập trung nguồn lực tài chính vào sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cần “khoan thư sức dân để làm sâu rễ, bền gốc”. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định thì việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ thuận lợi và bền vững hơn.

Ngoài ra, cơ chế về quản lý quy hoạch, trong đó có nội dung phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP. Buôn Ma Thuột (trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) cũng có tác động rất lớn. Cơ chế này sẽ góp phần cắt giảm thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đây cũng là một lợi thế của TP. Buôn Ma Thuột, điều này sẽ giúp thành phố thu hút được nhiều là đầu tư lớn, đặc biệt các doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư, gắn bó lâu dài với vùng đất này.

Trong khi đó, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) chia sẻ, theo nghị quyết của Quốc hội, dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, các dự án này còn được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Những chính sách này sẽ tạo tiền đề để TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm chế biến sâu của cả nước về cà phê và phù hợp với định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê thế giới”. Từ việc thu hút các doanh nghiệp trong nước đến với TP. Buôn Ma Thuột, giá trị của sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tăng lên.

Đối với riêng Simexco DakLak, dù là một doanh nghiệp lớn về ngành hàng cà phê, nhưng hiện nay việc chế biến sâu chưa được đầu tư như mong đợi, còn nông dân trồng cà phê mới dừng lại ở chế biến thô. Khi những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, như: rang, xay... cà phê ngay tại nơi sản xuất. Từ đó góp phần gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực này của tỉnh.

BUÔN MA THUỘTKHÁT VỌNG MỚI, CƠ HỘI MỚI

Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt đối với TP. Buôn Ma Thuột trên hành trình thực hiện khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Điều này đến từ Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ tư vừa qua.

Khả Lê - Tuyết Mai - Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.