Multimedia Đọc Báo in

Những công dân ưu tú của buôn làng

06:04, 21/01/2023

Những người con sinh ra và lớn lên ở nhiều buôn làng đã trở thành “sứ giả” kết nối giữa truyền thống và hiện đại, làm gia tăng giá trị những cây trồng truyền thống bằng chính kinh nghiệm được trao truyền và sự nhạy bén, khả năng bắt nhịp với thời cuộc...

Khởi nghiệp của nữ giám đốc hợp tác xã người Dao

Trong câu chuyện kể về hành trình 7 năm thành lập và hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh - hợp tác xã đầu tiên ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), chị Triệu Thị Châu, Giám đốc Hợp tác xã nói rằng, kết quả thu được lớn nhất chính là đã làm thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế tập thể.

Thôn 3 nơi chị sinh sống hầu hết đều là người dân tộc Dao, từ xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) vào làm kinh tế. Những tháng ngày tuổi thơ vất vả, chị được nghe kể rất nhiều câu chuyện về cà phê và kinh tế hợp tác. Chị nhận ra một điều, những người lớn tuổi trong thôn, kể cả ông bà, bố mẹ chị rất “dị ứng” với hợp tác xã bởi họ đã từng trải qua thời kỳ “sáng vác cuốc đi, tối vác về”, người làm cũng như người không làm đều được chấm công điểm như nhau. Đó cũng là “rào cản” lớn khi chị phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh Triệu Thị Châu.

Với ưu thế của một cử nhân sinh học, đã được nghiên cứu sâu hơn về cây cà phê cùng quãng thời gian làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3, khuyến nông viên xã Cư Suê, chị Châu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng mềm để vận động, thuyết phục các gia đình trong thôn cho con em tham gia thành lập hợp tác xã với 27 thành viên đều là người dân tộc Dao.

Để chứng minh cho bà con trong thôn về vai trò, hiệu quả của hợp tác xã kiểu mới, nữ giám đốc trẻ tích cực tham gia các hội nghị, cuộc họp liên quan để giới thiệu về hợp tác xã, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp lớn, có uy tín nhằm xây dựng vùng trồng cà phê bền vững, hồ tiêu bền vững đạt chứng nhận 4C. Nhưng sự khắc nghiệt của thị trường, tác động của đại dịch COVID-19 đã dội “gáo nước lạnh” vào những dự định, ấp ủ của những người trẻ. Hợp tác xã hoạt động khó khăn, có thời điểm thua lỗ cả trăm triệu đồng.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và gia tăng giá trị cho nông sản địa phương, nhất là cây cà phê, chị Châu cùng các thành viên cốt cán của hợp tác xã đã tìm đủ cách xoay sở, thu mua nông sản, trái cây của người dân để xuất bán nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, vực dậy hoạt động của hợp tác xã. Thay vì chỉ thu mua cà phê của các thành viên và nông dân trong vùng để bán “thô”, nữ giám đốc trẻ cùng các cộng sự đã tìm tòi, thử sức mình trong lĩnh vực chế biến sâu. Để tìm chỗ đứng trong ngành hàng cà phê, chị Châu cùng các thành viên hợp tác xã tiếp tục “dấn thân” sang lĩnh vực chế biến cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột của hợp tác xã đã được cấp mã vạch, tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm.

Cùng với cây cà phê, chị Châu và các cộng sự cũng đang thử sức mình trong lĩnh vực mới đó là chế biến trà mãng cầu, chuối sấy, dừa bào sấy, mắc ca... Chị Châu gọi đây là những bước “dò đường” để đưa các sản phẩm nông nghiệp địa phương thành sản phẩm hàng hóa, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần. Đó cũng chính là khát vọng cùng giúp nhau vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhạc trưởng “giữ hồn” văn hóa ở Kmrơng Prông A

Có cha là thành viên đội chiêng của buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), từ khi mới 9 - 10 tuổi, anh Y Bây Kbuôr đã bị những âm thanh mộc mạc và trầm hùng của dàn chiêng Knah thu hút. Cũng chính từ đam mê ấy đã thôi thúc anh gắn bó với trách nhiệm bảo tồn và phát huy mạch nguồn văn hóa của buôn làng trong vai trò Buôn trưởng buôn Kmrơng Prông A.

Anh Y Bây Kbuôr (bìa phải) tham gia biểu diễn chiêng tre phục vụ khách du lịch.

Anh Y Bây tâm sự: “Ngày xưa mình học chiêng không được dạy bài bản như bây giờ đâu. Mình thích người nào trong đội chiêng thì đi theo người đó, chăm chú xem người đó diễn tấu rồi tự gõ lại bằng tay lên sàn nhà.” Phải đến hàng chục năm tự học trên sàn nhà như thế, khi anh đã thành chàng trai mười chín, đôi mươi, các cụ mới cho tập luyện trên chiêng thật. Khó có thể nói hết niềm hạnh phúc của anh khi được chạm vào chiếc chiêng đồng thiêng liêng của buôn làng. Kể từ đó, anh cùng các thanh niên trẻ trong buôn hăng say tập luyện và biểu diễn ở khắp các chương trình, lễ hội lớn nhỏ trong vùng Tây Nguyên.

Có lẽ chính nhờ quá trình thẩm thấu lâu dài ấy, anh Y Bây đã nắm vững tiết tấu, cách diễn tấu ở từng vị trí của rất nhiều bài chiêng cha ông truyền lại. Đến năm 2018, anh đã có thể giúp đội văn nghệ của Trường Tiểu học Ngô Mây diễn tấu một bài chiêng hoàn chỉnh để tham gia hội thi cấp thành phố. Sau đó, anh được bồi dưỡng thêm về kỹ năng truyền dạy đánh chiêng và trở thành nghệ nhân truyền dạy chiêng trẻ nhất tại TP. Buôn Ma Thuột.

Từ một Phó Bí thư Đoàn xã năng nổ, anh trở về làm buôn trưởng với mong mỏi vận động bà con lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Hơn bốn năm qua, bên cạnh các hoạt động vận động người dân chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn, trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan, chăm lo an sinh xã hội, anh còn thành lập và duy trì đội chiêng thiếu niên. Không những miệt mài truyền dạy chiêng tre, anh còn xin phép các nghệ nhân lớn tuổi cho đội chiêng thiếu niên được luyện tập và biểu diễn chiêng đồng - điều mà anh cực kỳ khao khát khi ở độ tuổi các em. Dưới sự dìu dắt của anh Y Bây, 10 thành viên đội chiêng ngày càng thuần thục và tự tin trình diễn những kỹ thuật khó, có thể luân phiên thay đổi cho nhau ở tất cả các vị trí trong dàn chiêng. Cha mẹ các em cũng hoàn toàn yên tâm giao phó con mình cho buôn trưởng, để các em đưa tiếng chiêng ngân vang khắp các hội thi, hội diễn gần xa.

Từ sự kết nối của buôn trưởng Y Bây, nhiều đoàn khách du lịch đã đến buôn Kmrơng Prông A để tận mắt trải nghiệm văn hóa của cộng đồng dân tộc Êđê từ bến nước, nhà sàn đến thưởng thức cồng chiêng và ẩm thực đặc sắc của buôn làng. Anh Y Bây Kbuôr lại trở thành “nhạc trưởng” của buôn, tập hợp bà con cùng chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng. Hướng đi này không chỉ tạo điều kiện cho những đội chiêng, đội múa của buôn có thêm môi trường biểu diễn, giao lưu văn hóa mà còn giúp cho chính những người con của buôn làng thêm hiểu, yêu và trân trọng khối tài sản vô giá mà cha ông để lại. Đó chính là sợi dây kết nối cộng đồng bền bỉ trong nhịp sống hối hả của quá trình đô thị hóa hôm nay.

Yến Ngọc - Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.