Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân nhạy bén

09:30, 19/01/2023

Đón đầu thị hiếu của khách hàng, tận dụng những lợi thế của nông sản địa phương để có lối đi riêng là cách mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Họ đã từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và lan tỏa thương hiệu nông sản Đắk Lắk.

Thăng hoa cùng sầu riêng

Lâu nay, sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu chỉ được tiêu thụ ở dạng quả tươi hoặc cấp đông mà ít được chế biến sâu hơn. Do đó, giá trị của loại trái cây này vẫn chưa cao, trong khi công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng.

Một trong những người đã mạnh dạn chế biến loại nông sản này là chị Nguyễn Thị Hường (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) với sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa (Freeze drying).

Đây là phương pháp làm khô lạnh - cách sấy ưu việt nhất hiện nay. Theo đó, sản phẩm được sấy khô qua quá trình thăng hoa của nước dưới nhiệt độ và áp suất thấp. Sấy theo hình thức này có chi phí đầu tư máy móc lớn nhưng bù lại sản phẩm giữ được hương vị, chất dinh dưỡng và có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng. 

Sản phẩm sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty Cổ phần Nông sản N&H.

Chị Hường chia sẻ, gia đình chị đã sản xuất sầu riêng khoảng 20 năm nay và việc buôn bán khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát thì nông sản gặp khó về đầu ra, đối với sầu riêng lại càng khó hơn vì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, nên nông dân bị động khi vào vụ thu hoạch, bị thương lái ép giá. Do đó, chị đã lên mạng Internet tìm hiểu về các xu thế tiêu dùng, nhu cầu thực phẩm của khách hàng nước ngoài với mục tiêu thâm nhập thị trường quốc tế. 

Năm 2021, chị quyết định thành lập Công ty Cổ phần Nông sản N&H và xây dựng xưởng sản xuất rộng 300 m2 tại phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) để sấy nông sản. Từ tháng 6/2022, cơ sở của công ty bắt đầu sấy sản phẩm sầu riêng. Tâm niệm của nữ doanh nhân này là mong muốn người dân được sử dụng những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Do đó, các sản phẩm chế biến theo hình thức sấy thăng hoa không sử dụng chất bảo quản, không có đường. Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, công ty phải đầu tư kho đông, phòng đóng gói là phòng mát, thời gian sấy kéo dài từ 36 - 40 giờ (tùy vào sản phẩm đã cấp đông hay chưa). Nhờ kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào nên sản phẩm đầu ra luôn đạt chất lượng tốt. Để cho ra 1 kg sản phẩm sấy thành phẩm cả hạt đối với sầu riêng DONA cần 4 - 4,5 kg múi, còn sầu riêng Ri 6 là 5 kg bởi tỷ lệ hạt cao. Hiện tại, bình quân mỗi tháng công ty đưa ra thị trường tiêu thụ 200 kg sầu riêng sấy thông qua nhiều hình thức khác nhau với giá 1,7 triệu đồng/kg.

Tạo dựng thương hiệu cà phê từ buôn làng

Để viết nên câu chuyện Êđê Café của buôn làng, anh Y Pốt Niê (buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) đã quyết định rời bỏ công việc chuyên ngành bác sĩ tại TP. Hồ Chí Minh để trở về quê hương khởi nghiệp bằng chính sản phẩm cà phê của gia đình. Anh Y Pốt kể, thời gian đang làm tại thành phố lớn nhất nước, anh thường được mẹ gửi cà phê rang xay của gia đình làm được. Cứ 9 giờ tối, sau khi từ bệnh viện trở về, người bác sĩ trẻ lại mang cà phê ra pha uống. Hương cà phê lan ra khắp dãy trọ, mọi người vì tò mò nên đến tìm hiểu, được anh đãi những ly cà phê mộc mạc của quê hương mình rồi tặng mỗi người một ít mang về. Sau khi uống cà phê, những người chung xóm trọ đã đặt vấn đề mua cà phê của Y Pốt, rồi giới thiệu cho bạn bè, đồng nghiệp. Dần dần, số cà phê gia đình gửi xuống TP. Hồ Chí Minh mỗi lần tính bằng tạ. Do đó, tháng 9/2019, vị bác sĩ trẻ quyết định nghỉ việc về khởi nghiệp bằng chính sản phẩm nông sản của gia đình mình. Thời điểm này, gia đình chỉ còn vài bao cà phê, xưởng sản xuất cũng chỉ vỏn vẹn 10 m2. Gom góp từ những đồng vốn nhỏ, anh đã dần mở rộng diện tích nhà xưởng. Đến nay, cơ sở sản xuất đã có quy mô 150 m2, tạo việc làm cho 45 người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. 

Anh Y Pốt Niê (buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) sắp xếp quầy trưng bày sản phẩm .

Sau gần 4 năm khởi nghiệp, thương hiệu  “Ê-đê Café” của anh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021 và được công nhận OCOP 4 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Điều đáng tự hào của Y Pốt là thương hiệu của anh được viết nên từ câu chuyện văn hóa gia đình, về ngày tháng rong ruổi theo ba mẹ lên rẫy hái cà phê, lựa những quả cà phê to nhất, chín đỏ rực để phơi và rang trên bếp củi. Nhờ đó, nhiều du khách đã tìm đến cơ sở để tìm hiểu văn hóa, con người ở đây rồi đã tin tưởng và đặt hàng cà phê. Sản phẩm cà phê mộc mạc này đã từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài nước. Có vị khách du lịch người Ả Rập đến đây và bị cuốn hút bởi câu chuyện Ê-đê Café đã đặt mua một lúc 100 kg cà phê rang xay mang về nước. Hiện tại, cà phê của anh đã và đang bán tại nhiều siêu thị trong nước và trên các sàn thương mại điện tử.

Nông nghiệp hiện đại, nông dân thông thái

Nông nghiệp lâu nay là trụ đỡ trong nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk. Trong bối cảnh xu thế của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và chuyển đổi số đang tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nông dân địa phương đã có tư duy, cách làm mới mẻ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Hường - Nam Anh - Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.