Phát triển đô thị: Đảm bảo các tiêu chí dân sinh bền vững
Báo cáo số 574 (ngày 13/12/2022) của Sở Xây dựng Đắk Lắk gửi Bộ Xây dựng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 cho biết, năm 2023 địa phương sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch các đô thị ở địa bàn theo đúng quy hoạch chung, đảm bảo phát triển đô thị với các tiêu chí bền vững về dân sinh.
Các chỉ tiêu cần hoàn thành của ngành xây dựng Đắk Lắk trong năm 2023 là đảm bảo chỉ tiêu môi trường sống, với 91,5% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 91,4% chất thải rắn được thu gom; và chỉ tiêu diện tích nhà ở đô thị và nông thôn đạt bình quân đầu người theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.
Nỗ lực phát triển đô thị
Lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk nhìn nhận, phía sau những con số kỹ thuật về quản lý địa bàn, thẩm tra giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng, luôn là mong muốn đảm bảo các tiêu chí dân sinh. Kinh nghiệm từ những đô thị lớn đi trước cho thấy, đời sống thị dân với các nhu cầu không ngừng tăng lên, đổi mới, hiện đại hóa, và sự hài lòng của dân chúng với những điều kiện sinh hoạt tiêu dùng có được luôn là thang điểm quan trọng để đánh giá mức độ thành công trong xây dựng, phát triển đô thị. Trên tinh thần này, ngành xây dựng Đắk Lắk, thông qua các cơ quan quản lý chức năng, luôn cố gắng hoàn thành các mục tiêu đưa ra, kiến thiết định hình những đô thị đặc thù của địa phương, làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo các vấn đề an ninh, chính trị.
Đắk Lắk tập trung phát triển các đô thị mới gắn với nhu cầu phát triển dân sinh. |
Riêng trong lĩnh vực phát triển đô thị, năm 2022 ghi nhận những hoạt động tích cực của ngành xây dựng Đắk Lắk, với việc hoàn thành Đề cương, dự toán xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022. Sở Xây dựng đã tham mưu rà soát, công bố một số khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua phân lô bán nền, tạo điều kiện cho phép người dân tự xây dựng nhà ở, chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đô thị mới… Trước những diễn biến xáo trộn của thị trường bất động sản, sở trực tiếp tham mưu chính quyền tiến hành những biện pháp cần thiết, để tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tạo điều kiện ổn định đầu tư cho các dự án đô thị chủ lực, đem lại niềm tin cho các chủ đầu tư…
Ông Lê Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng giải thích, những đô thị sẽ là điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà tiêu chí đảm bảo các yếu tố dân sinh được xem là quan trọng nhất. Những con số tăng trưởng, những tỷ lệ diện tích nhà ở đô thị, phủ kín quy hoạch đô thị… có nâng lên bao nhiêu, cũng gắn với chất lượng đời sống người dân phải được cải thiện.
Thay đổi để phát triển đô thị bền vững
Nhìn lại năm 2022, ngành xây dựng Đắk Lắk nhận xét, thực trạng phát triển đô thị địa phương vẫn chưa đáp ứng ngang tầm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án mang tính xã hội như quy hoạch cải tạo các khu dân cư cũ, quy hoạch chỉnh trang đô thị, các đồ án thiết kế đô thị khu vực trung tâm, khu vực về kiến trúc cảnh quan, các trục đường chính vẫn chưa được chú trọng. Tỷ lệ phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị có tăng, nhưng chưa đủ yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị, cụ thể ở TP. Buôn Ma Thuột.
Do đó, năm 2023, địa phương cần quan tâm, tạo thay đổi trong vấn đề phát triển đô thị bền vững, nhắm đúng các mục tiêu an định dân sinh. Đó là cần phân định và bảo đảm các yêu cầu quy hoạch đã đặt ra, chính quyền các cấp cơ sở cùng phối hợp ngành chức năng kiểm soát tốt các địa bàn đô thị mới, đô thị cần chỉnh trang. Riêng lĩnh vực đầu tư đô thị mới, Sở Xây dựng Đắk Lắk đặt trách nhiệm phải kịp thời đề xuất giải quyết các dự án đã hoàn thành, chuyển sang giai đoạn kinh doanh, như xác nhận điều kiện bán nhà hình thành tương lai; điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà; xác nhận công trình nhà hoàn thành đối với các dự án nhà ở...
Vấn đề quan trọng với định hướng phát triển các đô thị địa phương tại Đắk Lắk vẫn là làm sao cân đối, hài hòa được chiến lược phát triển các diện tích nhà ở đô thị hiện đại, văn minh nhưng không tách rời, mâu thuẫn với hiện trạng phát triển đời sống dân sinh, môi trường tự nhiên và văn hóa truyền thống. Việc này dĩ nhiên cần sự kiên định của chính quyền trong thực thi kiểm soát thị trường nhà đất, nghiêm minh với những vi phạm chính sách quản lý nhà nước, đồng thời kêu gọi, vận động được các chủ đầu tư đô thị mới, các dự án chỉnh trang đô thị đã có, cùng hợp tác tổ chức đầu tư đúng lộ trình, trách nhiệm, hiện thực hóa các dự án trên thực địa, tránh “ảo hóa” thị trường và nạn “bong bóng đất”. Các đô thị Đắk Lắk trong tầm nhìn dài hạn, vẫn phải đảm bảo những yêu cầu gắn với kinh tế nông nghiệp nông thôn, xây dựng những tiêu chí mới ở đời sống thị dân so với tập tục, thói quen, tư duy nông dân. Những đô thị mới phải trở thành những tâm điểm đầu tư thương mại hóa, kết nối logistics lan tỏa, thu hút được nhiều nhà đầu tư mới, và thị dân mới, mới thực sự trở thành những điểm sáng phát triển, thực sự đưa Đắk Lắk đúng vào vị trí tâm điểm phát triển toàn vùng kinh tế Tây Nguyên.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc