Sầu riêng đâu chỉ “ăn chơi”
Sầu riêng là loại trái cây khá đặc biệt của vùng nhiệt đới vì khó tìm được trái cây nào mang đến nhiều cảm xúc trái chiều như sầu riêng. Chính vì sự khác biệt thú vị giữa muôn vàn các loại trái cây, cùng với giá trị dinh dưỡng cao nên sầu riêng được ví là loại trái cây “vua”. Từ chỗ chỉ để “ăn chơi” nay đã trở thành loại hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Hình thành các vùng nguyên liệu
Sau khi định vị được lợi thế trên vùng đất của “thủ phủ cà phê”, sầu riêng trở thành loại cây ăn trái chủ lực, giá trị kinh tế cao được trồng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, đến nay diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk chiếm 17,6% diện tích trồng sầu riêng của cả nước và là tỉnh có diện tích lớn thứ hai sau tỉnh Tiền Giang. Tổng diện tích sầu riêng năm 2022 ước đạt 15.250 ha, chiếm 35,2% diện tích cây ăn trái của tỉnh, tăng 13.000 ha so với năm 2015; sản lượng ước đạt 156.392 tấn, tăng 126.000 tấn so với năm 2015 và ước sản lượng đến năm 2025 đạt khoảng 300.000 tấn.
Các loại giống sầu riêng được trồng chủ yếu là giống Dona, Ri6 và giống địa phương; số lượng cây đầu dòng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận là 12 cây đầu dòng sầu riêng giống Dona và Ri6. Giống sầu riêng hiện nay trên địa bàn tỉnh được cung cấp bởi Công ty Dona - Techno, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, một số viện nghiên cứu như Viện Cây ăn quả và Viện Khoa học nông nghiệp Tây Nguyên.
Mùa thu hoạch sầu riêng ở xã Tân Lập, huyện Krông Búk. |
Một số huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn như huyện Krông Pắc 6.200 ha, Krông Năng 4.200 ha, Ea H’leo 1.700 ha, thị xã Buôn Hồ 1.200 ha...
Hiện nay sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người nông dân. Vì vậy, diện tích, sản lượng sầu riêng ngày càng tăng, không chỉ phát triển trồng thuần mà còn được trồng xen trong vườn cà phê và bước đầu cũng đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Riêng đối với diện tích trồng xen sầu riêng là 4.900 ha, thu nhập mang lại từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha, có trường hợp trên 1 tỷ đồng/ha, đã giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích, bảo đảm sinh kế và nâng cao mức sống vùng nông thôn. Đặc biệt với huyện Krông Pắc - được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng”, với nhiều diện tích trồng thuần cho năng suất bình quân từ 15 - 30 tấn/ha. Với giá bán bình quân như hiện nay, từ 40 - 50 triệu đồng/tấn, dự báo sầu riêng sẽ trở thành nguồn thu “thống trị” của người dân trong tương lai.
Định hình, phát triển thương hiệu
Đón đầu xu hướng phát triển bền vững và đưa sản phẩm sầu riêng chinh phục thị trường quốc tế, huyện Krông Pắc đã có những nền móng ban đầu cho lộ trình định hình thương hiệu gắn với chất lượng khi có được nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc” (tiếng Anh: Krong Pac Durian) vào tháng 9/2021.
Tách múi sầu riêng để cấp đông xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). |
Bên cạnh điều kiện tự nhiên mang lại chất lượng, hương vị đặc trưng được thương lái đánh giá cao, địa phương cũng đã triển khai có hiệu quả các phương thức sản xuất để xây dựng nên thương hiệu. Theo đó, huyện đã xác định sầu riêng là loại cây trồng chủ lực nên sẽ phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế. Đồng thời, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất gắn với phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, địa phương đã tổ chức sản xuất, mở rộng diện tích cây trồng có chứng nhận theo các tiêu chuẩn như VietGAP, sản xuất hữu cơ...; đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hiện “thủ phủ sầu riêng” có 581 ha, với 497 hộ sản xuất được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông; 36 mã vùng trồng, với diện tích 730 ha tại xã Ea Yông do Cục Bảo vệ thực vật cấp cho các hợp tác xã. Đồng thời, có 7 cơ sở đã được cấp mã số đóng gói các loại trái cây tươi hiện đang hoạt động trên địa bàn.
Để phát triển và quản lý nhãn hiệu, Hội Nông dân huyện Krông Pắc đã ban hành Quy định quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc”. Theo đó, hội đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con sử dụng và công bố điều kiện để sản phẩm được mang nhãn hiệu tập thể, như: đạt tiêu chí chất lượng, có khả năng truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất việc quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng chiến lược phát triển thị trường đối với sầu riêng, đặc biệt quan tâm đến thị trường xuất khẩu...
Minh Thuận - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc