Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng chính sách: Để không ai bị bỏ lại phía sau

12:28, 20/01/2023

Trong năm qua, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân sau đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Đắk Lắk cho biết, năm 2022, chi nhánh đã tăng cường công tác tham mưu cho NHCSXH Việt Nam, cấp ủy, chính quyền tăng cường bổ sung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ chính sách, đồng thời, ưu tiên người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và người dân từ địa phương khác trở về đang gặp khó khăn có thêm sinh kế, ổn định cuộc sống.

Trong năm, toàn tỉnh có 50.806 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tổng doanh số gần 1.969 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 6.331 tỷ đồng, tăng 706,8 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng đạt 12,56%, với 197.063 khách hàng còn dư nợ

Giám đốc NHCSXH chi nhánh Đắk Lắk Đào Thái Hòa.

Năm 2022, toàn tỉnh có 11.486 lượt hộ nghèo, 7.518 lượt hộ cận nghèo, 2.941 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh; 8.910 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 5.100 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg… Theo thống kê sơ bộ, trong số 8.372 hộ thoát nghèo và 8.214 hộ thoát cận nghèo thì có 20.011 hộ được vay vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH (tỷ lệ 85,1%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tín dụng chính sách tại Đắk Lắk vẫn còn một số khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo , cận nghèo còn cao, trong khi nguồn lực cho vay chưa đáp ứng đủ , nhất là một số xã lên nông thôn mới bị cắt giảm một số chương trình tín dụng chính sách , nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho người dân vay còn thấp; một số mặt hàng nông sản giá thiếu tính ổn định nên hiệu quả vốn vay chưa cao…

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông kiểm tra thực tế sử dụng vốn vay của khách hàng.

Năm 2023, NHCSXH chi nhánh Đắk Lắk sẽ bám sát các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu bổ sung nguồn vốn phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

Với dự kiến trưởng tín dụng trên 10%, nguồn vốn sẽ ưu tiên cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình nông thôn mới, và Chương trình giảm nghèo bền vững; Đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, rà soát những trường hợp có nhu cầu về vốn và đúng đối tượng để cho vay với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng thời, phối hợp với sở, ngành, nhất là Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ làm tốt công tác xây dựng, tuyên truyền về những mô hình khuyến nông để hộ vay áp ụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn.

Cùng với đó, chi nhánh sẽ phối hợp với địa phương và tổ chức nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu và tránh trục lợi chính sách tại cơ sở.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.