Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm để hiểu giá trị của cà phê

05:21, 24/01/2023

Đắk Lắk được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê”, gắn với thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng. Nhiều du khách đến vùng đất này không chỉ để thưởng thức ly cà phê thơm ngon đặc biệt mà còn có nhu cầu trải nghiệm những câu chuyện văn hóa độc đáo gắn với cà phê.

Có nhiều cách để quảng bá cũng như nâng cao giá trị của cà phê Đắk Lắk. Một trong những phương thức đó là các doanh nghiệp (DN) vừa kinh doanh sản phẩm, vừa kết hợp khai thác du lịch gắn với cà phê để người tiêu dùng hiểu hơn về giá trị sản phẩm và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Để khách hàng hiểu hơn về sản phẩm của mình cũng như các dòng cà phê vốn có của Đắk Lắk, ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care đã mở tour du lịch cà phê ngay tại trang trại Aeroco coffee của mình ở thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Công ty hiện có vườn cây hơn 8 ha, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phát triển theo hướng hệ sinh thái đa tầng, gồm: tầng cây bóng mát, tầng ăn trái, tầng cà phê và tầng cỏ thảm. Mô hình trồng, chế biến cà phê kết hợp khai thác du lịch của ông đã tạo nên hệ sinh thái đa dạng, thân thiện với thiên nhiên và thu hút khách du lịch.

Khách du lịch tham quan quy trình chế biến cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care.

Tại đây, du khách có đa dạng sự trải nghiệm như: tham quan nông trại, tìm hiểu về cây cà phê, quy trình trồng, chăm sóc, tự tay thu hái quả chín, thưởng thức cà phê, mua sắm sản phẩm... Đặc biệt, khách được tham gia vào các quy trình rang, xay, chế biến, pha chế cà phê theo những phương pháp khác nhau để thấy được sự kỳ công khi làm cà phê chất lượng cao.

Xác định chế biến cà phê mang thương hiệu Aeroco Coffee ở phân khúc thị trường cao cấp, ông Tư cho rằng, việc kết hợp khai thác du lịch là cách làm hay, có sức lan tỏa để khách hàng hiểu đúng giá trị của sản phẩm, từ đó định vị giá trị và thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Thông qua những lượt khách tham quan có thể là kênh truyền thông hiệu quả, quảng bá đến nhiều nơi, nhiều người dùng cùng biết về cà phê được làm ra ở Buôn Ma Thuột.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) đăng ký tham gia hành trình trải nghiệm với cà phê. Chị thích thú chia sẻ: “Cà phê là thức uống quen thuộc hằng ngày, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy cây cà phê và các công đoạn làm ra ly cà phê. Thêm vào đó là được thưởng thức ly cà phê nguyên chất tại xưởng và tận hưởng không khí trong lành giữa một vùng thiên nhiên tươi đẹp, cùng bạn bè chụp những tấm ảnh ngay tại vườn cà phê, thật không gì tuyệt vời hơn”.

Du khách tham quan trải nghiệm cà phê tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Anh Coffee.
 

“Năm 2022, đơn vị đón khoảng 1.000 lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tìm hiểu, tăng gấp 30 lần so với năm trước. Uy tín, danh tiếng và doanh số tiêu thụ cà phê của công ty cũng được nâng cao sau mỗi lượt khách ghé thăm”.

 
Ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee

Cũng với hướng đi này, chương trình trải nghiệm cà phê tại nhà xưởng của Công ty TNHH MTV Anh Coffee (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tại đây, du khách có trải nghiệm trọn vẹn và chân thật nhất về những quy trình, công đoạn để chế biến ra ly cà phê thơm ngon nức tiếng. Chương trình bao gồm các hoạt động: giới thiệu về sơ đồ khu vực nhà máy; tham quan quy trình sản xuất cà phê từ công đoạn sơ chế, rang bằng hệ thống máy rang hiện đại; trải nghiệm các thức uống cà phê theo sở thích cá nhân; trải nghiệm các dòng cà phê đặc trưng được sản xuất tại nhà máy và mua sắm sản phẩm...

Ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee cho hay, chương trình đang được đơn vị đẩy mạnh, mục đích là muốn mang lại giá trị trải nghiệm cho du khách, từ đó khiến họ trở nên yêu thích thứ thức uống này. Để làm được điều đó thì phải tạo ra được những “điểm chạm” đến sản phẩm như: nghe, nói, chạm, nhìn, ngửi, nếm cà phê trong lòng du khách. Từ “du lịch trải nghiệm” đến “du lịch theo hương vị cà phê”, du khách sẽ nói về sở thích cà phê của riêng mình, trên cơ sở đó, nhà sản xuất sẽ làm ra sản phẩm phù hợp với hương vị cà phê theo “gu” riêng biệt của mỗi người.

Có lẽ, cà phê ở đâu cũng có, nhưng trải nghiệm du lịch gắn với cà phê thì chỉ lên Tây Nguyên mới có. Việc tạo ra một môi trường vừa trải nghiệm, vừa thưởng thức, tìm hiểu văn hóa và câu chuyện về cà phê đang là hướng đi thích hợp, đáp ứng nhu cầu thật sự của nhiều du khách. 

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc đưa những giá trị của cà phê vào du lịch mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc hơn về văn hóa địa phương gắn với loại cây trồng này. Các tour du lịch với cà phê đang được nhiều du khách đón nhận, giúp họ cảm nhận được công sức, sự toàn tâm, tận tụy của người trồng, sản xuất, chế biến ra hương vị cà phê độc đáo. Sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng cao vị thế loại nông sản này, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp “không khói” của địa phương.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.