Hội Nông dân huyện Krông Búk sát cánh cùng nông dân
Phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã tích cực xây dựng Hội vững mạnh, là “chỗ dựa” vững chắc cho nông dân.
Hỗ trợ nông dân vay vốn
Hội Nông dân huyện Krông Búk có 97 chi hội, hơn 8.000 hội viên. Với mục tiêu giúp nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 2.301 hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 108 tỷ đồng; nhận ủy thác cho hội viên vay 2,4 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp Trung ương và tỉnh.
Sát cánh cùng nông dân, Hội Nông dân huyện còn chủ động phối hợp với doanh nghiệp cung ứng trên 200 tấn phân bón vi sinh mỗi năm cho hội viên theo hình thức trả chậm; tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho nông dân theo dõi, học tập.
Mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Việt (bìa phải) ở buôn Ea Druich (xã Cư Pơng). |
Gia đình ông Nguyễn Văn Việt, ở buôn Ea Druich (xã Cư Pơng) là một trong những hộ dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Năm 2022, ông Việt vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, kết hợp với số tiền tích góp của gia đình để đầu tư trang trại chăn nuôi dê. Với đặc tính dễ nuôi, sinh sản nhanh, thức ăn là rau, cỏ xung quanh vườn nên việc chăn nuôi dê khá thuận lợi. Chỉ từ 10 con dê ban đầu, đến nay đàn dê đã tăng lên 50 con. Ông Việt chia sẻ: “Trong quá trình chăm sóc dê, gia đình thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của hội nông dân các cấp về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trị bệnh theo từng giai đoạn. Nhờ vậy, đến nay đàn dê sinh sản, phát triển rất tốt”.
“Thông qua sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, các hội viên, nông dân đều phấn khởi, tích cực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình, dự án mới phù hợp với điều kiện thực tế, giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vươn lên làm giàu” - Chị Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk. |
Tương tự, năm 2019 ông Lương Văn Diêm, ở thôn 2 (xã Tân Lập) cũng được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc sầu riêng. Có vốn, ông Diêm đầu tư phân bón hữu cơ, xử lý đất, trồng mới 70 cây sầu riêng Dona thay thế những cây sầu riêng già cỗi, năng suất thấp và xây dựng mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù những năm gần đây thời tiết biến đổi thất thường nhưng vườn sầu riêng của ông Diêm vẫn phát triển xanh tốt, cho năng suất ổn định. Với giá bán 80 nghìn đồng/kg, năm 2022 ông Diêm thu về hơn 400 triệu đồng.
Không chỉ hộ ông Việt, ông Diêm mà hàng nghìn nông hộ trên địa bàn huyện Krông Búk đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Mỗi hội viên có cách thức đầu tư khác nhau, nhưng đa phần các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả vốn vay.
Tạo liên kết sản xuất
Là hộ nuôi bò lâu năm, nhưng do không nắm vững kỹ thuật nên hầu như năm nào đàn bò của gia đình ông Đặng Phước, ở thôn Tân Lập 2 (xã Pơng Drang) cũng xảy ra dịch bệnh. Năm 2020, được Hội Nông dân huyện tập huấn kiến thức chăn nuôi bò, ông Phước cùng 7 hộ trong thôn đã tham gia tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm. Ngoài gặp gỡ định kỳ hằng tháng, các thành viên trong tổ hội còn thường xuyên liên kết, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, thống nhất giá bán và hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn, vắc xin phòng chữa bệnh. Ông Phước cho hay, tùy theo giá thị trường, một con bò được bán ra có giá từ 30 - 35 triệu đồng, những con có thể trạng lớn có thể bán 50 triệu đồng/con. Hiện nay, các hộ nuôi bò trong tổ hội đều nắm vững kỹ thuật, kiểm soát tốt dịch bệnh; trung bình mỗi năm mỗi hộ có thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Ông Đặng Phước (bên trái)ở thôn Tân Lập 2, xã Pơng Drang chăm sóc đàn bò. |
Với phương châm "Cùng lĩnh vực sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng sẻ chia, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi", đến nay toàn huyện Krông Búk có 9 mô hình tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân đang phát huy tốt hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên. Đây vừa là cầu nối tạo sự gắn kết các hội viên, vừa mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa bền vững.
Chị Trần Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, sau khi các tổ hội nghề nghiệp được thành lập, Hội Nông dân huyện cùng chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các đơn vị hoạt động hiệu quả, như: hỗ trợ vốn vay ưu đãi; mời kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực hướng dẫn kỹ thuật; quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Nhờ đó, những năm qua trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, trở thành mô hình điểm để hội viên nông dân tham quan, học tập, áp dụng.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc