Multimedia Đọc Báo in

Nguồn lực quan trọng trong giảm nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông

08:34, 17/02/2023

Từ việc giúp hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông là nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Là hộ cận nghèo, năm 2005 bà Nguyễn Thị Tín ở thôn 3 (xã Hòa Lễ)  được vay 20 triệu đồng nguồn vốn diện cận nghèo từ NHCSXH huyện Krông Bông. Từ nguồn vốn này, gia đình bà đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, 6 sào ruộng.

Ngoài ra, bà Tín còn được tiếp cận nguồn vốn vay dành cho học sinh, sinh viên để trang trải chi phí cho bốn người con ăn học. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư, chi tiêu hợp lý, đúng mục đích nên các nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình bà Tín có thu nhập ổn định.

Sau khi thoát nghèo, bà Tín được vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay cho hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm để mua thêm 2 con bò. Bà Tín chia sẻ, giờ đây ba người con đã có việc làm ổn định, kinh tế của gia đình cũng vững vàng hơn nhờ nguồn vốn vay phát triển sản xuất từ NHCSXH huyện cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức xã hội trên địa bàn huyện.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông và đại diện tổ chức ủy thác cho vay kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình bà Nguyễn Thị Tín ở thôn 3 (xã Hòa Lễ).

Gia đình bà Tín là một trong số 58.701 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Krông Bông trong 20 năm qua. Để nguồn vốn này đến đúng đối tượng, đúng thời điểm và đặc biệt là "không để ai bị bỏ lại phía sau", cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội của huyện Krông Bông đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay.

 

Thông qua việc vay vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Krông Bông đã tạo việc làm mới cho trên 2.166 lao động, có 5.204 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; 22.904 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, cải tạo, nâng cấp; hỗ trợ 1.956 hộ nghèo làm nhà ở; duy trì và phát triển nhiều dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương.

Một trong những tổ chức được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và NHCSXH huyện Krông Bông đánh giá cao về thực hiện hoạt động ủy thác là Hội Cựu chiến binh xã Hòa Lễ. Hiện doanh số Hội nhận ủy thác cho vay đạt 17,2 tỷ đồng với 315 lượt hộ vay, tổng dư nợ gần 14 tỷ đồng tại 5 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đặc biệt, hiện nay 100% tổ TK&VV do Hội quản lý xếp loại tốt, không có nợ quá hạn; 100% tổ viên tham gia gửi tiền thông qua tổ TK&VV.

Ông Thiều Đình Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Lễ cho biết, có tới 80% người dân trên địa bàn xã đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn. Mỗi hộ gia đình có thể tiếp cận đồng thời nhiều nguồn vốn tùy đối tượng thụ hưởng cho vay từng chương trình của NHCSXH. Hội phối hợp với ngân hàng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát để đảm bảo các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp huyện Krông Bông đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, thị trấn. NHCSXH huyện Krông Bông  cũng tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hằng năm.

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ TK&VV, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, thị trấn được triển khai đảm bảo hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy trình, quy định. Chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội được nâng cao. NHCSXH huyện Krông Bông cũng đã tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay. Nhờ vậy mà thời gian qua đã có đến 58.701 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện được tiếp cận vốn vay chính sách xã hội thông qua 14 chương trình tín dụng đang được triển khai, tổng dư nợ đạt trên 532 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông giải ngân vốn vay tại phiên giao dịch lưu động ở thị trấn Krông Kmar.

Theo ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông, để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quy trình vay vốn ngày càng được đơn giản và nhanh chóng. Mỗi tháng, đơn vị tổ chức 14 phiên giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn để giúp hộ nghèo không phải mất thời gian, phương tiện đi lại và tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, để mọi người dân đều nắm bắt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách thì vai trò của các đơn vị ủy thác, các tổ TK&VV là rất quan trọng. Đây chính là “cánh tay nối dài” của NHCSXH tới tận vùng sâu, vùng khó khăn, góp phần đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" ở địa phương.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.