Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội

07:48, 01/02/2023

Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội để có thể tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt đối với mỗi quốc gia cũng như khu vực, địa phương, là động lực cho sự phát triển chung của đất nước.

Cực tăng trưởng kinh tế và bài toán phát triển đô thị ngang tầm

Sau 35 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm thực hiện điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam được phê duyệt năm 2009, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.

Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

TP. Buôn Ma Thuột đang phát triển trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức trong phát triển đô thị cần giải quyết như: quá tải về hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông; thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt; các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chậm được đầu tư, dự án "treo" còn phổ biến; hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa… chưa phát triển ngang tầm với kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế và hiện nay đang bị quá tải, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Thách thức đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai. 

Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; thực hiện thành công mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu, bảo tồn di sản, khắc phục các “điểm nghẽn” thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở đô thị… là nhiệm vụ trọng tâm để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro không báo trước để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, buôn Akô Dhông đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Tập trung nguồn lực phát triển đô thị xanh, thông minh

 

“Sự thành công của Chương trình hành động này phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy cấp địa phương. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc Chương trình hành động của Chính phủ, bổ sung các chỉ tiêu vào nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy, xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm túc; bám sát các chỉ tiêu, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về phát triển đô thị.

Đây là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ, nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững.

Với yêu cầu này, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn, trên cơ sở đánh giá cụ thể hiện trạng để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ sát với tình hình thực tế, có tính khả thi, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: thống nhất nhận thức; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị; đầu tư phát triển, xây dựng đô thị; thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật.

Đô thị Buôn Ma Thuột được quy hoạch, xây dựng theo hướng xanh, sinh thái, bản sắc. Ảnh: Hoàng Gia

Trong đó, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của vùng, phát hiện ra những tồn tại yếu kém để có giải pháp xử lý phù hợp.

Đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch để tạo ra nguồn lực tối ưu, đột phá, triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nguồn lực và thời gian, tránh dàn trải.

Quy hoạch và phát triển đô thị phải đa dạng hóa nguồn lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực của Nhà nước với xã hội, nguồn lực của nhân dân, đẩy mạnh hợp tác công tư. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực từ con người, tài nguyên và từ truyền thống lịch sử, văn hóa...

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.