Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu năm

08:16, 02/02/2023

Trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, không khí sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, phấn khởi. Hầu hết DN thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra với kỳ vọng tăng trưởng trong năm mới.

Vào việc ngay

Tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các DN ra quân sản xuất đầu xuân mới với khí thế sôi nổi. Nhiều DN đã có khá đông công nhân trở lại các nhà máy trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết.

Tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm, những ngày này không khí làm việc tại nhiều bộ phận diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương nhằm bảo đảm tiến độ các đơn hàng cho đối tác.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm những ngày đầu năm mới. Ảnh: L. lan

Bà Trần Hoàng Khánh Vân, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm cho biết, công ty được thành lập từ tháng 3/2022 với 900 cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc.

Năm 2022, dù gặp một số khó khăn do có sự biến động không ngừng về lực lượng lao động song công ty đã nỗ lực chăm lo tốt đời sống, sức khỏe cho người lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cũng như các phúc lợi khác. Công ty xem đây là động lực và là yếu tố quyết định để người lao động ngày càng gắn bó và cống hiến hết mình cho DN.

Nhờ vậy, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị trong năm 2022 không chỉ vượt chỉ tiêu đặt ra mà sản phẩm công ty nhận gia công cho Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Mỹ trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023, đơn hàng của công ty tăng liên tục. Từ đầu năm, DN đã động viên người lao động vào làm việc đúng thời gian, bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác. Điều đáng mừng là ngay ngày ra quân đầu năm, số lượng người lao động đến làm việc đạt gần 100%.

Đây là những điều kiện thuận lợi để công ty khởi đầu một năm với khí thế mới, phấn đấu tiếp tục tăng trưởng doanh thu cao hơn năm trước và hướng tới đáp ứng yêu cầu sản xuất cho các đối tác, khách hàng.

Cùng với đó, năm 2023, DN sẽ tập trung xây dựng và đào tạo nguồn lực con người đáp ứng được xu thế phát triển của ngành dệt may toàn cầu, đặc biệt là yêu cầu về tay nghề, kỹ thuật.

Công ty TNHH Cà phê Ngon (Cụm công nghiệp Cư Kuin) hiện có gần 400 cán bộ, nhân viên là người Việt Nam và Ấn Độ đang làm việc. Công nhân khối sản xuất tại nhà máy đã bắt tay vào làm việc từ ngày mồng 2 Tết, bộ phận văn phòng cũng trở lại nhiệm vụ ngày mồng 6. Những ngày đầu năm mới, các công đoạn sản xuất đã trở lại bình thường, ổn định.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, hầu hết cán bộ, công nhân đã quay lại làm việc đầy đủ, không khí sản xuất phấn khởi, ai cũng làm việc nghiêm túc với mong muốn công việc thuận lợi, suôn sẻ, thêm thu nhập và góp phần vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê thăm nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Cà phê Ngon nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: M. Chi

Tự tin với kế hoạch lớn

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, đầu năm mới, nhiều DN đã xuất được những lô hàng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Điều này kỳ vọng một năm mới sôi động của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

 

“Trong năm 2023, xu thế của toàn cầu là ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp cà phê phải tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu ra, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất, quy trình quản lý chất lượng…” - ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Cà phê Ngon là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công suất hoạt động 30.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD.

Trong tháng 1/2023, doanh nghiệp đã xuất nhiều đợt hàng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong năm nay, công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu với sản lượng 22.000 tấn đến khoảng 30 quốc gia trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu này, đơn vị đã tăng quy mô công suất nhà máy thêm 6.000 tấn, vốn đầu tư 10 triệu USD; đồng thời nhắc nhở, động viên nhân viên, công nhân tăng tốc làm việc từ đầu năm.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cũng đã tổ chức cho công nhân và người lao động ra quân làm việc từ ngày mùng 4 Tết, sớm hơn hai ngày so với mọi năm để hoàn tất 5 container hàng xuất khẩu cà phê đầu tiên vào ngày mùng 8 Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho biết, rất mừng vì sau Tết Nguyên đán, công ty đã có những lô hàng xuất khẩu cà phê sang các nước châu Á. Hy vọng trong năm 2023, xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi để đạt được sản lượng và kim ngạch cao hơn năm 2022.

Hiện nay, cà phê đã qua chế biến là mặt hàng kinh doanh cốt lõi của công ty mang hai dòng thương hiệu HIUPCoffee (cà phê nguyên chất, hương vị tự nhiên) và AnTháiCafe (cà phê hương vị Việt). Sản phẩm cà phê của An Thái đã được xuất đi hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp là đa dạng hóa sản phẩm để thích ứng với nhiều thị trường và có nhiều khách hàng hơn để đạt mức tăng trưởng 120 - 130% như kế hoạch đề ra.

Hoạt động vận chuyển các lô hàng cà phê để xuất đi thị trường trong nước ở Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Ảnh: M. Thuận

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều quốc gia từng bước mở cửa, giao thương trở lại, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa. Do đó, ngành công thương có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.

Năm 2023, kế hoạch của ngành này là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 20%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD. Riêng mặt hàng cà phê, Đắk Lắk tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến và đặt ra mục tiêu số lượng xuất khẩu đạt khoảng 420.000 tấn.

Từ đầu năm, Sở Công Thương theo dõi tình hình hoạt động sản xuất của các nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm hỗ trợ cho các DN kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; nắm tình hình sản lượng nguyên liệu nông, lâm sản để các nhà máy chế biến đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản của các địa phương...

Lê Lan - Minh Thuận - Minh Chi


Ý kiến bạn đọc