Multimedia Đọc Báo in

Cần thêm giải pháp hỗ trợ các mô hình cây ăn quả VietGAP

09:04, 06/03/2023

Nhiều mô hình cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP hiện nay đang phải chật vật trước những khó khăn như: giá cả vật tư đầu vào ngày càng tăng cao; thời tiết thất thường khiến sâu bệnh hại phát sinh; trong khi đó, giá bán một số sản phẩm không tăng, thậm chí giảm như bơ, xoài, bưởi… Những khó khăn đó đang tạo áp lực lên việc duy trì và phát triển những mô hình VietGAP.

Vườn cây ăn quả diện tích 3 ha gồm các loại cây: ổi, mít, xoài và bưởi tại thôn 9, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) của anh Võ Duy Tân (thành viên Tổ hợp tác trái cây Tiến Phát Hòa Phú) đã được cấp chứng nhận VietGAP gần 3 năm nay. Anh Tân cũng là người khởi xướng xây dựng mô hình trồng ổi lê hướng hữu cơ đầu tiên tại TP. Buôn Ma Thuột, từng đưa sản phẩm trái cây giới thiệu tại nhiều hội thảo xúc tiến thương mại trước dịch COVID-19.

Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay khiến tâm huyết của anh dành cho vườn cây ăn quả đã giảm bớt. Anh Tân cho biết, thu nhập từ vườn cây hiện không đáng kể, ngoài cây xoài vẫn phát triển bình thường, các loại cây còn lại anh chỉ chăm sóc cầm chừng, bởi giá bán sản phẩm giảm nhiều khiến thu không đủ bù chi; cộng thêm thời tiết không thuận lợi, vườn bưởi bị bệnh không thể điều trị dứt điểm khiến mẫu mã sản phẩm không đẹp.

Nếu như trước kia tiểu thương vào tận vườn để bao tiêu sản phẩm thì giờ thu hoạch xong nông dân phải đi bán lẻ ngoài chợ. Cứ đà này sẽ khó duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP.

Mô hình trồng ổi lê đã được cấp chứng nhận VietGAP của gia đình anh Võ Duy Tân.

Anh Hoàng Văn Thạo, chủ vườn bưởi da xanh 3 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) hiện đã chuyển đổi dần sang trồng chôm chôm Thái và sapoche, chỉ còn duy trì chừng 1 ha bưởi. Nguyên nhân là do vườn bưởi bị bệnh thối rễ vàng lá chết dần, buộc anh phải chuyển sang cây trồng khác dễ chăm sóc hơn. Thời gian thực hiện theo quy trình VietGAP đã sắp hết, song anh không còn mặn mà với việc duy trì tái cấp VietGAP, vì cho rằng thị trường còn dễ dãi trong việc phân định chất lượng sản phẩm VietGAP, sức mua yếu nên hiệu quả kinh tế không đáng là bao.

Hầu hết những mô hình VietGAP trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong những năm qua (theo Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND tỉnh). Dù vậy hiện các mô hình cây ăn trái VietGAP vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đầu ra phụ thuộc vào thị trường chung của cả nước, tại địa phương chủ yếu tiêu thụ quả tươi, thông tin thị trường còn hạn chế. Việc nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về cung - cầu ngành trái cây còn rất khó khăn. Không có doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất để khuyến khích nông dân sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, địa phương vẫn thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu, kể cả công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch… Những khó khăn ấy khiến các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang phát triển một cách thiếu bền vững; dễ dàng bị ảnh hưởng trước mỗi biến động thị trường.

Thiết nghĩ, để duy trì và phát triển mô hình VietGAP, Nhà nước và các đơn vị có liên quan cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân duy trì, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ (từ sản xuất đến tiêu thụ) giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với nông dân để nhân rộng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm, giúp nông dân yên tâm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, ngoài giải pháp về nâng cao chất lượng, cần quan tâm hơn đến giải pháp về chính sách, tạo điều kiện để người sản xuất áp dụng hợp lý các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Gắn kết việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm đặc sản với tham quan, du lịch sinh thái nông thôn. Hỗ trợ nhà vườn thường xuyên kết nối với các phương tiện truyền thông để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Tập trung đầu tư chuyên canh các sản phẩm VietGAP chủ lực, dần đi đến tạo ra sản phẩm giá trị, đồng nhất về chất lượng. Quan tâm hỗ trợ bước đầu đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, các loại cây trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP để phát triển và nhân rộng mô hình này.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.