Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Còn nhiều bất cập
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ đơn vị sự nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đang được tỉnh Đắk Lắk triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn phát sinh không ít bất cập.
Chậm chuyển đổi
Toàn tỉnh có 149 chợ đang hoạt động, trong đó có 109 chợ nông thôn. Thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, ngày 14/1/2003 của Chính phủ, UBND tỉnh và Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư chợ, chuyển đổi mô hình quản lý sang doanh nghiệp, HTX.
Đây được coi là giải pháp phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, kết hợp yếu tố truyền thống, bảo đảm đồng bộ hạ tầng cơ sở, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu giao thương hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai tại nhiều địa phương vẫn rất chậm, thậm chí chưa có sự chuyển biến. Hiện toàn tỉnh mới có 20 chợ được doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng và quản lý. Đáng chú ý, một số huyện như ở Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Súp, Krông Bông chưa có chợ nào được chuyển đổi mô hình quản lý.
Nhiều ki-ốt trong chợ thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) bỏ trống. |
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm là do ngân sách đầu tư phát triển chợ truyền thống còn hạn chế, trong khi việc huy động vốn xã hội hóa thì khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những dự án ở khu vực đô thị - nơi có lợi thế thương mại với khả năng thu hồi vốn nhanh và sinh lợi cao, còn các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại không kêu gọi được đầu tư. Một bất cập nữa là do quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng chợ phức tạp, kéo dài gây tâm lý e ngại, chưa thu hút được các doanh nghiệp, HTX.
Song song đó, việc lấy ý kiến đồng thuận của người dân và các hộ tiểu thương gặp nhiều khó khăn trong quá trình khảo sát cơ hội hợp tác đầu tư. Bởi tâm lý của đa phần các tiểu thương cho rằng khi doanh nghiệp đầu tư, quản lý, thì vị trí kinh doanh hiện hữu sẽ bị thay đổi, giá thuê ki-ốt cao… ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Vì vậy, có một số chợ khi doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư đã không nhận được sự đồng thuận của đa phần các hộ tiểu thương, nên phải tự rút. Điều này cũng cho thấy công tác tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, chính quyền các địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, các hộ tiểu thương về chủ trương xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn hạn chế.
Chưa thay đổi nhiều về “chất”
Từ những khu chợ xập xệ, mất an toàn, mất vệ sinh đã được các nhà đầu tư xây dựng thành chợ mới rộng rãi, khang trang với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn, phòng cháy chữa cháy; bố trí các khu vực bán hàng khoa học, đúng tiêu chuẩn... Sau khi có chợ mới, nguồn hàng cũng được tiểu thương nhập về phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình hoạt động của chợ vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, việc chuyển đổi mô hình quản lý chưa thay đổi nhiều về “chất”.
Dù lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh nhưng bên ngoài chợ Duy Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) lại đông khách hơn bên trong chợ. |
Chợ Ea Hiao (xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo) được HTX Thương mại - Dịch vụ Thành Công (thôn 2, xã Ea Hiao) đầu tư xây dựng và quản lý từ năm 2014, song nhiều năm nay chợ hoạt động không hiệu quả. Ông Lê Vĩnh Tiến, Giám đốc HTX Thành Công cho biết, khuôn viên chợ rộng 7.200 m2 (tọa lạc ngay trung tâm xã), trong đó có khoảng 1.000 m2 nhà mái che với 54 ki-ốt và bảo đảm quầy sạp kinh doanh cho hàng trăm hộ tiểu thương. Thế nhưng, đến nay chỉ có khoảng 20 ki-ốt và vài ba sạp hàng thực phẩm khô còn hoạt động. Nguyên nhân là nhiều năm nay, các chợ tạm, chợ cóc vẫn tồn tại bên ngoài chợ chính. Việc kinh doanh buôn bán bên ngoài lại sầm uất hơn trong chợ nên tiểu thương cũng bỏ sạp tràn ra ngoài đường để mong bán được hàng hơn. Việc tuyên truyền, vận động bà con vào chợ đều thất bại.
Năm 2010, chợ Duy Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) được Công ty TNHH Thành Luân đầu tư xây dựng trên tổng diện tích đất 5.400 m2, với 20 ki-ốt, 240 sạp hàng bán đồ tươi sống. Mặc dù ở vị trí khá thuận lợi về giao thông, khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, an toàn nhưng hiện nay trong chợ chỉ có khoảng gần 200 hộ kinh doanh buôn bán. Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân cho hay, những năm gần đây, việc kinh doanh buôn bán trong chợ diễn ra khá đìu hiu, tiểu thương bỏ sạp nhiều. Việc khai thác, vận hành chợ gặp khó khăn do nguồn thu phí quản lý, tiền thuê mặt bằng kinh doanh sụt giảm. Hiệu quả kinh doanh thấp, nên hằng năm đơn vị cũng chỉ nộp ngân sách chưa đến 60 triệu đồng.
Thực tế hoạt động kinh doanh tại hầu hết các chợ trong tỉnh đang gặp khó vì vắng khách. Nguyên nhân chính là do tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường khu vực ngoài chợ để buôn bán diễn ra tràn lan, trong khi các cơ quan chức năng, địa phương không xử lý triệt để. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tiểu thương trong chợ "thổi" giá vô tội vạ, o ép khách. Ban quản lý chợ chủ yếu chỉ bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh bề nổi. Khó tránh khỏi việc tiểu thương trà trộn đưa hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vào buôn bán.
Để việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ bảo đảm “đổi về lượng, chuyển về chất”, theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), ngoài việc tạo cơ chế hỗ trợ các đơn vị quản lý, lực lượng chức năng, địa phương cũng cần nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán, họp chợ tự phát tại những khu vực xung quanh chợ. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức, thay đổi thói quen mua sắm của người dân... Cùng với đó, đơn vị quản lý chợ cũng phải tăng cường các biện pháp vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh, bán những mặt hàng bảo đảm về nguồn gốc, chất lượng, giá cả hợp lý... đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc