Multimedia Đọc Báo in

"Cú hích" mạnh mẽ cho ngành hàng cà phê

07:56, 15/03/2023

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã chứng kiến một không gian trải nghiệm cà phê thú vị và nhiều cái “bắt tay” của các doanh nghiệp về giao thương, hợp tác đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng cà phê. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, vị thế của cà phê, đưa Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới" thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thêm sức bật

Cà phê Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 100 năm, nhưng chỉ phát triển mạnh trong vòng 30 năm trở lại đây với sự gia tăng mạnh mẽ về sản lượng và hơn 20 năm qua, Việt Nam đã giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ hai về sản xuất, xuất khẩu cà phê và đứng thứ nhất về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta.

Trong suốt thời gian dài đó, Việt Nam tập trung mọi nguồn lực sao cho giữ vững được vị thế đã có. Việt Nam cũng là quốc gia đi tiên phong trong sản xuất, kinh doanh cà phê nhân có chứng nhận bền vững. Đồng thời, cà phê Việt Nam đã có một số sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể…

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, cà phê đặc sản Robusta từ Việt Nam được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu số lượng lớn. Đặc biệt, cà phê Robusta đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được các thí sinh sử dụng trong các cuộc thi pha chế danh tiếng tại Úc và Mỹ. Đó là những tín hiệu lạc quan trên chặng đường dài nâng cao danh tiếng và giá trị hạt cà phê Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm cà phê tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tuy chất lượng cà phê Đắk Lắk - Việt Nam đã được nâng lên, nhưng trên thực tế thì giá trị gia tăng vẫn chưa cao. Vì vậy, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều nội dung chuyên sâu về ngành hàng cà phê, như: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”... nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững để từ đó nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh cũng như cả nước trong thời gian tới.

Đặc biệt, Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 đã thu hút các tập đoàn lớn ở ngành hàng cà phê trong nước và quốc tế đến tham dự để tìm kiếm cơ hội giao thương và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác trực tiếp và ký kết hợp tác. Bên lề hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ cà phê của tỉnh và những địa phương khác.

Xây dựng ngành hàng cà phê đa giá trị

Mặc dù là nước có diện tích cà phê đứng thứ 6 thế giới nhưng năng suất cà phê Robusta của Việt Nam đạt cao nhất thế giới. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, chỉ đứng thứ 10 về giá trị. Do đó, xây dựng tiêu chí cà phê Việt Nam chất lượng cao là một trong những giải pháp trong triển khai thực hiện định hướng phát triển ngành cà phê theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, là cơ sở cho thực hiện đồng bộ các giải pháp từ lai tạo giống, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, xây dựng mô hình liên kết, hỗ trợ phát triển thị trường, thương mại hóa các sản phẩm cà phê có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, phù hợp với “Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao” do Bộ NN-PTNT phê duyệt.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm cà phê được trưng bày tại Hội nghị giao thương quốc tế năm 2023.
 

Việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi quan trọng, phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Đắk Lắk - Việt Nam, nhằm kích thích và khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê”.

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Tại Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, các chuyên gia đã quan tâm đến những thách thức của Việt Nam khi phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - sinh thái - môi trường trong quá trình xây dựng ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đồng thời, ngoài việc hợp pháp trong kinh doanh chế biến cà phê, sản phẩm cà phê chất lượng cao cần đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, liên quan đến sử dụng lao động và yếu tố sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, giảm thiểu carbon.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng, ngoài việc xây dựng lộ trình dài hơi về vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn canh tác bền vững; đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm chế biến cà phê của thế giới; nâng cấp hệ thống giao thông, logistics; xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành cà phê … thì cần tập trung quảng bá thương hiệu và chất lượng cà phê Việt Nam một cách nhất quán.

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, để người trồng cà phê được chia sẻ giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Cần tích hợp yếu tố văn hoá vào sản xuất, kinh doanh để cộng hưởng làm gia tăng giá trị ngành hàng cà phê. Văn hoá cà phê Việt Nam bắt đầu từ người nông dân, tới các doanh nghiệp và nhà phân phối để cộng hưởng thành một hình ảnh. Như vậy, chúng ta không chỉ bán cà phê mà quảng bá cả văn hoá, cả không gian Tây Nguyên và núi rừng. Chúng ta sẽ kéo du khách đến Tây Nguyên nhiều hơn và đưa Tây Nguyên đi xa hơn bằng thương hiệu chung cà phê Việt Nam.

Minh Thuận -  Minh Thông – Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.