Nâng cao giá trị quả ca cao
Từ tiềm năng phát triển của cây ca cao trên địa bàn huyện Ea Kar đã tạo nhiều thuận lợi cho các hợp tác xã (HTX) tại địa phương liên kết sản xuất, thay đổi tư duy, từng bước nâng cao giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm từ ca cao, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.
Tận dụng triệt để nguyên liệu đầu vào
Để thuận lợi cho quá trình sản xuất, năm 2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (xã Ea Đar) được hình thành, với 20 thành viên chính thức và 180 thành viên liên kết. Ngoài việc triển khai thực hiện đa dạng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, HTX chủ yếu tập trung nâng cao năng suất, chất lượng cho 100 ha cây ca cao. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường hơn 300 tấn hạt ca cao ướt, hạt ca cao khô lên men. Khi quá trình sản xuất, chế biến, đầu ra cho sản phẩm dần ổn định, HTX đã chú trọng đến việc hoàn thiện, khai thác triệt để giá trị kinh tế từ quả ca cao.
HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar tham gia trưng bày các sản phẩm ca cao tại Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022. |
Nhận thấy việc loại bỏ khoảng 20.000 lít nước ép trong quả ca cao mỗi năm gây ô nhiễm môi trường xung quanh, trong khi có thể tận dụng lượng nước này làm rượu ca cao, tạo giá trị kinh tế, từ năm 2020, HTX đã thu mua những vườn ca cao phát triển tốt, sản xuất theo hướng hữu cơ, lựa chọn những quả tươi to, đẹp để thực hiện tách quả lấy hạt ép nước. Lượng nước này sẽ được nấu sôi cùng với một lượng đường nhỏ, sau đó để nguội và trộn với men ngọt (làm từ đậu nành), ủ để lên men thành rượu. Trung bình 10 kg quả sẽ chiết và lên men được 2 lít rượu ca cao. Nước ca cao sau khi lên men sẽ chuyển từ màu trắng sang màu hổ phách, trong veo, thơm nồng. Ca cao lên men được ủ trong vòng một năm là có thể sử dụng và để càng lâu mùi vị càng thơm ngon, đậm vị, độ tinh khiết càng cao.
Rượu ca cao được làm từ quả tươi, nên vào vụ thu hoạch chính trong khoảng thời gian tháng 5 và tháng 11 hằng năm, HTX sẽ nhanh chóng thực hiện lấy nước ép, ủ lên men sẵn phục vụ nhu cầu khách hàng. Riêng trong năm 2022, HTX đã bán được 3.000 lít ca cao lên men, với giá 100.000 đồng/lít, thu được nguồn lợi không nhỏ. Đồng thời, để giải quyết lượng vỏ ca cao thải ra môi trường khoảng 50.000 tấn/năm, HTX đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ kỹ thuật dùng vỏ ủ thành thức ăn chăn nuôi. Theo đó, vỏ quả ca cao được băm nhỏ và trộn với cám ngô, cám gạo, muối hạt để ủ; sau một tuần có thể đem cho bò, dê ăn. Các thành viên trong HTX đã vận dụng hiệu quả phương pháp này giúp giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi.
Trong quá trình chăm sóc cây trồng, HTX còn thử nghiệm phương pháp dùng túi ni lông bọc trái, giúp trái phát triển tốt, giảm tỷ lệ hư hỏng và tăng năng suất cho bà con. Nhận thấy những lợi ích từ việc này, HTX đang lên phương án sẽ thu gom rác thải sinh hoạt để thực hiện tái chế thành túi ni lông, sử dụng trong việc bọc trái, thuận lợi cho quá trình sản xuất.
Đa dạng hóa các sản phẩm từ ca cao
HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar hiện có 69 thành viên góp vốn và liên kết sản xuất với 189 hộ dân ở 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với diện tích trồng hơn 150 ha cây ca cao, đã tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng yêu cầu cho việc sản xuất, chế biến. Ban đầu, HTX đơn thuần chỉ sản xuất hạt ca cao khô lên men tiêu thụ thị trường trong nước và liên kết, cung cấp cho Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam (ACOM) và Công ty TNHH Puratos Grand – Place Việt Nam để xuất khẩu qua Nhật Bản.
Bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm giới thiệu về sản phẩm ca cao khô lên men của HTX. |
Theo bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, đơn vị đã triển khai nhiều quy trình, cách thức để tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm, tạo ra hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Bên cạnh đó, để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, HTX luôn sâu sát với các vườn ca cao để tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc và cho vay phân bón, thuốc trừ sâu trả chậm… thu mua sản phẩm cho người dân. Qua đó, góp phần mang lại thu nhập cho người trồng ca cao từ 160 – 240 triệu đồng/ha/năm. Với mong muốn mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đang nỗ lực cải thiện quy trình sản xuất, chế biến, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành giúp HTX đầu tư máy móc, thiết bị, kho ủ để sản xuất chuyên sâu cho các sản phẩm từ ca cao.
Xác định hướng đi lâu dài, bền vững, HTX chú trọng đến việc sản xuất, chế biến sâu sản phẩm từ ca cao. Do đó, năm 2021, HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà máy sản xuất ca cao đầu tiên trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng và cho ra đời sản phẩm bột ca cao nguyên chất Thái Đăng. Đồng thời, đầu tư về mẫu mã, nhận diện thương hiệu, đưa sản phẩm bột ca cao đạt Chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và đã đăng ký quyền bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Cùng với đó, HTX tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm chuyên sâu từ ca cao như: bơ ca cao, son dưỡng, sô cô la, rượu vang ca cao… được sự đón nhận tích cực của thị trường.
HTX luôn nỗ lực đồng hành cùng người dân, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. HTX hỗ trợ người dân từ khâu lựa chọn cây giống, quá trình chăm sóc cho đến khâu thu hoạch. Ở từng khu vực trên địa bàn huyện, HTX bố trí các điểm thu mua tận vườn cho bà con, rồi vận chuyển về HTX để thực hiện lên men tập trung, giúp đảm bảo chất lượng, hương vị của ca cao.
Chị La Thùy Linh, thành viên HTX Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar cho biết, đầu ra cho các sản phẩm ca cao của HTX đang dần ổn định. Hiện HTX đang tích cực tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm trong và ngoài nước; phát huy lợi thế của các kênh thương mại điện tử để lan tỏa những sản phẩm chất lượng đến mọi người. Trong năm 2023, HTX sẽ đầu tư máy móc tập trung phát triển sản phẩm sô cô la; nâng hạng sao cho bột ca cao nguyên chất Thái Đăng và hoàn thiện quy trình đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho sản phẩm sôcôla và bột ca cao 3 trong 1, từng bước khẳng định chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường, có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc