Phát triển bền vững vùng nguyên liệu sầu riêng
Để "hộ chiếu xuất ngoại" của sầu riêng trở nên bền vững, điều cần thiết là phải có sự tuân thủ nghiêm túc các quy định của phía nhập khẩu - Trung Quốc, không chỉ khi được kiểm tra mà là xuyên suốt cả quá trình sản xuất. Và nông dân là những người đầu tiên cần thay đổi tư duy sản xuất.
Thay đổi tư duy
Từ khi thị trường xuất khẩu của sầu riêng được rộng mở, nông dân trồng sầu riêng đã chủ động hơn trong việc ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững, quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều người dân tập trung đầu tư để nâng chất lượng vườn cây thay vì mở rộng diện tích nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nông dân ứng dụng công nghệ tưới tự động trong chăm sóc sầu riêng. |
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Phát (huyện Krông Năng) có 66 xã viên, trong đó diện tích trồng sầu riêng là 70 ha. Theo ông Nguyễn Đại Hà, Giám đốc HTX, diện tích sầu riêng này đa số đều là diện tích trồng cũ vì người dân cũng trải qua nhiều bài học “đắt giá” khi đổ xô mở rộng diện tích vào thời điểm giá sản phẩm của cây trồng đó tăng cao. Hiện nay, đa số các thành viên trồng xen rồi chuyển dần sang trồng thuần để đảm bảo có thu nhập trong quá trình chờ sầu riêng cho thu hoạch.
Bên cạnh dần thay đổi diện tích, nhiều thành viên của HTX đã ứng dụng công nghệ tưới tự động, bón phân tự động… nhằm giảm thiểu công chăm sóc, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng tạo các nhóm Zalo chia sẻ những kiến thức, kỹ thuật, triển khai các văn bản liên quan đến sầu riêng… để thành viên kịp thời nắm bắt, thực hiện.
Hay ở HTX Vạn Xuân (huyện Cư Kuin) có khoảng 400 thành viên, với tổng diện tích gần 500 ha sầu riêng được canh tác theo tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, các thành viên đều tuân thủ những quy định, hướng dẫn nhằm bảo đảm vườn cây cho chất lượng quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Hiện một số diện tích sầu riêng tại HTX đang trong quá trình xin cấp mã vùng trồng. Đặc biệt, các thành viên HTX đều đã nhận thức rõ vai trò của mình trong khâu sản xuất để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí có được mã vùng trồng nên họ rất cầu thị trong việc được tập huấn, phổ biến các quy định kỹ thuật của nước nhập khẩu, kiến thức về mã số vùng trồng và tránh việc sử dụng mã số vùng trồng sai mục đích.
Theo Sở NN-PTNT, diện tích, sản lượng sầu riêng ngày càng tăng, không chỉ phát triển trồng thuần mà còn được trồng xen trong vườn cà phê và bước đầu cũng đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Một số huyện có diện tích trồng sầu riêng lớn như: Krông Pắc, Krông Năng, Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ... Nông dân Đắk Lắk cũng có trình độ kỹ thuật khá tốt trong chăm sóc sầu riêng. Tuy nhiên, để hạn chế những bất cập trong bối cảnh phát triển nhanh, cần tổ chức, liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị để hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững.
Xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng
Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng "made in Vietnam" được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Và sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ thành "trái cây tỷ đô" của Việt Nam. Để đáp ứng được kỳ vọng này, các địa phương trồng sầu riêng của cả nước đang xây dựng phát triển ngành hàng theo hướng đa giá trị, trong đó xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng là một hướng đi quan trọng.
Đắk Lắk hiện có 15.250 ha sầu riêng, sản lượng đạt 156.392 tấn. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 14 cơ sở đóng gói và 39 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích được cấp mã là 2.152/9.619 ha cho thu hoạch (chiếm khoảng 22%). Tỉnh đang tiếp tục thiết lập 49 vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích 966 ha và 8 cơ sở đóng gói gửi hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đề nghị cấp mã số.
Nông dân huyện Cư Kuin tỉa hoa để mùa sầu riêng đạt chất lượng. |
Thời điểm này, Đắk Lắk đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng "hệ sinh thái sầu riêng" với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân và HTX để giúp quá trình từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… được thực hiện một cách chuyên nghiệp và minh bạch. Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nông dân áp dụng những giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng. Đồng thời, xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Thế Anh, hội viên Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho rằng, đã đến lúc chúng ta nhìn thị trường để sản xuất chứ không còn là sản xuất rồi mới nhìn thị trường. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người nông dân, bởi họ là một trong những "nhân vật chính" trong câu chuyện này. Do đó, sắp tới Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác truyền thông để nông dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc thiết lập mã số vùng trồng trong lộ trình xuất khẩu sản phẩm sầu riêng.
Lê Minh - Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc