Multimedia Đọc Báo in

Phú Lộc xây dựng nông thôn mới nâng cao

08:24, 24/03/2023

Xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) có 2.881 hộ, với 13.438 khẩu thuộc 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm trên 90% dân số.

Năm 2011, xã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) khi mới đạt 8/19 tiêu chí. Đến đầu năm 2018, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cùng sự quyết liệt, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Chủ tịch UBND xã Mai Văn Thanh cho biết, sau khi cán đích NTM, xã bắt tay ngay vào thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu đến cuối năm 2023 trở thành xã đầu tiên của huyện về đích NTM nâng cao. Để đạt mục tiêu trên, xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng thôn, từng tiêu chí và chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động hội viên cùng thực hiện từng tiêu chí. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, địa phương tiếp tục vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân như: đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng cơ sở, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, đưa những cây, con giống mới, năng suất chất lượng vào sản xuất…

Các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã Phú Lộc đã được nhựa hóa, bê tông hóa.

Đến thời điểm này, xã Phú Lộc đã đạt 12/19 tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao gồm: quy hoạch; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; giáo dục; hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn; nhà ở dân cư; thông tin tuyên truyền; thu nhập; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; hành chính công; tiếp cận pháp luật; chất lượng môi trường sinh sống; quốc phòng - an ninh.

Một trong những tiêu chí khó đạt nhất là về lĩnh vực giao thông, nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng nhiều tuyến đường. Chẳng hạn ở thôn Lộc Tiến, trước đây, nhiều tuyến đường liên thôn rất nhỏ hẹp (khoảng 3 – 4 m), xe cộ đi lại rất khó khăn, nhưng được xã, các đoàn thể vận động, bà con trong thôn đã tự nguyện đóng góp ngày công, tiền bạc, hiến đất mở rộng mặt đường. Thôn Lộc Tiến đã huy động hàng trăm ngày công, hàng chục chiếc xe chở đất, đá và hơn 100 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa tuyến đường liên thôn dài 3 km nối từ thôn Lộc An đến thôn Lộc Tiến, giúp người dân đi lại thuận tiện, nông sản làm ra thương lái tới thu mua tận vườn. Hay như thôn Lộc Yên cũng có 1 km đường giao thông có chiều ngang quá hẹp nên 29 hộ dân dọc hai bên đường đã tự nguyện hiến đất mở rộng đường ra 6 m, có rãnh thoát nước hai bên...

Một tuyến đường trên địa bàn xã Phú Lộc được xây dựng theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
 

"Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao theo đúng lộ trình đề ra”.

 
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Mai Văn Thanh

Tính từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã Phú Lộc đạt hơn 90 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 70 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 5 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 23,15 km thì 100% đã nhựa hóa và bê tông hóa; tổng chiều dài các đường ngõ, xóm, đường liên gia là 41,2 km thì đường cứng hóa, bảo đảm sáng - xanh - sạch khoảng 33 km, đạt 80,09%.

Cùng với đầu tư thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng nông thôn, cấp ủy, chính quyền địa phương còn vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất - thu nhập - hộ nghèo. Từ đó, bà con mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là các mô hình đạt năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả; đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Hiện trên địa bàn xã có 4 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; có 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao là sản phẩm mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đàn hương - Mắc ca VIP huyện Krông Năng; có 3 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm; có 3 mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị; có 760,65/2.535,5 ha cây trồng chủ lực được tưới tiên tiến, tiết kiệm (đạt 30%). 15/15 thôn có nhà văn hóa; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 52,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 97%; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế chiếm 98%; 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.