Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở Krông Pắc

08:07, 29/03/2023

Hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp một cách bài bản nhằm kết nối từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ.

Khai thác giá trị bản địa

Tận dụng tiềm năng sẵn có, nông dân Krông Pắc đã từng bước khai thác có hiệu quả các loại nông sản đặc trưng, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo hướng đi bền vững cho nông nghiệp địa phương. Đơn cử, từ sản phẩm sầu riêng truyền thống tiêu thụ theo kênh trái cây tươi bị nhiều nhược điểm (theo mùa, khó kiểm soát chất lượng múi sầu riêng, cồng kềnh, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển, bị ép cấp, ép giá, nhất là các quả có kích thước ngoại cỡ), nông dân đã từng bước khắc chế thông qua giải pháp chế biến sâu như: cấp đông nguyên trái, tách múi cấp đông, sầu riêng sấy...

Tháng 3/2022, anh Trần Đức Thiện (xã Ea Yông) đã thành lập Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước An với sản phẩm chủ lực là sầu riêng đông lạnh; tháng 5/2022 anh đầu tư hệ thống kho lạnh rộng hơn 400 m2 hoạt động theo cơ chế cấp đông sâu ở nhiệt độ -40oC giúp múi sầu riêng vẫn giữ được hơn 95% chất dinh dưỡng và hương vị.

Công nhân Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước An chế biến sầu riêng tại xưởng đông lạnh.

Anh Thiện chia sẻ, nguyên liệu của đơn vị được lấy từ vườn sầu riêng của nông dân trồng tại huyện Krông Pắc nên công đoạn từ thu hoạch đến sơ chế, phân loại rất ngắn, thuận lợi; quá trình làm sạch, bóc vỏ, kiểm tra chất lượng được thực hiện nghiêm ngặt giúp sầu riêng cấp đông giữ được vị ngọt, béo, dẻo, giữ được kết cấu múi và màu sắc đạt tiêu chuẩn như sầu riêng tươi. Năm 2022, đơn vị đã thu mua, chế biến được 60 tấn sầu riêng xuất bán trong nước, năm 2023 dự kiến tăng lên 300 tấn.

Tương tự, từ cây rau bò khai được trồng dưới dạng thử nghiệm vào năm 2015, đến nay anh Hoàng Văn Hiệu, thôn Cao Bằng (xã Ea Knuếc) đã phát triển được vùng nguyên liệu bò khai rộng 18 ha, xuất bán ra thị trường hàng chục tấn rau mỗi năm với giá 40.000 – 80.000 đồng/kg tùy thời điểm. Theo đó, rau bò khai được trồng theo hướng hữu cơ với giống đỏ và trắng nên chất lượng bảo đảm và ổn định. Hiện tại, ngoài chế biến thành trà túi lọc thì bò khai còn được xuất khẩu sang Mỹ dưới dạng tiểu ngạch. Anh Hoàng Văn Hiệu cho hay, năm 2017 anh cùng với 6 nông dân trồng bò khai ở thôn Cao Bằng đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau bò khai, năm 2020 kết nạp thêm thành viên và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Cao Bằng (HTX). Từ sự kết nối có tổ chức đó, việc sản xuất rau bò khai trở nên chuyên nghiệp hơn: trồng theo vùng quy hoạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hái đúng đợt, hạn chế tối đa sự khan hiếm rau vào cao điểm những tháng cuối năm… Đặc biệt, từ giữa năm 2022 đến nay, ngoài cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong nước thì HTX còn xuất khẩu sang Mỹ qua đường tiểu ngạch khoảng 10 tấn bò khai với giá cao hơn thị trường trong nước khoảng 40%. Điều này không chỉ đem đến lợi nhuận mà còn mở rộng “tầm nhìn” cho các thành viên.

Đẩy mạnh kết nối

Trên thực tế, ngoài sầu riêng, rau bò khai thì huyện Krông Pắc còn có thế mạnh về sản xuất cà phê, trà mãng cầu, chuối… Để kết nối nông dân và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo chuỗi, cuối tháng 2 vừa qua, Hội Nông dân huyện đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp nông nghiệp huyện Krông Pắc. CLB có 24 thành viên là những người đang hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, xây dựng phong trào khởi nghiệp, phát triển dự án nông nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp khởi sự kinh doanh...

Ban Chủ nhiệm và Ban kiểm tra Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp huyện Krông Pắc tại lễ ra mắt.

Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H, đồng thời là chủ nhiệm CLB cho hay, CLB là thành viên tập thể của Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và được Ban Điều hành kết nối, hỗ trợ tham gia theo chương trình khởi nghiệp của tỉnh. CLB hoạt động trên tinh thần kết nối, giới thiệu hàng hóa, kết nối thị trường với phương châm “kết nối để đi cùng nhau”. Trong đó, sẽ hỗ trợ tích cực cho các thành viên tiếp cận các hoạt động khởi nghiệp; là lộ trình xây dựng sản phẩm chất lượng theo các quy định hiện hành từ sản phẩm nông sản thành sản phẩm hàng hóa; cách thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm…

"Hiện tại, CLB đang hỗ trợ các thành viên xây dựng dự án khởi nghiệp để họ có thêm nguồn lực, kinh nghiệm, hạn chế tối đa các sai sót có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời, tổ chức tư vấn, chấm vòng loại để người dự thi được cọ xát thực tế, tự tin hơn khi trình bày, thuyết phục ban giám khảo tại cuộc thi khởi nghiệp các cấp" , bà Hường nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc Y Niêm Êban cho biết, cái khó nhất của nông dân hiện nay không phải là làm ra sản phẩm mà là kết nối và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, CLB sẽ là một trong những điểm đến, là sân chơi để nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, làm giàu trong nhân dân.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.