Multimedia Đọc Báo in

Giữ “nhịp” cho thị trường bất động sản (kỳ 4)

07:59, 13/04/2023

Kỳ cuối: Để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Mặc dù Chính phủ cũng như các cấp, các ngành, địa phương và chính bản thân doanh nghiệp (DN) đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời nhằm bình ổn thị trường bất động sản (BĐS) nhưng để giữ được “nhịp” cho thị trường và hướng đến phát triển ngành BĐS bền vững sẽ còn nhiều điều đáng bàn.

Doanh nghiệp nỗ lực “lội ngược dòng”

Không chỉ trông chờ vào những động thái của các cấp, các ngành, thời gian qua, nhiều DN đã chủ động về kế hoạch và chiến lược kinh doanh, tiến hành tái cấu trúc, tìm "cơ" trong "nguy"… Đơn cử như Công ty Đầu tư bất động sản Lộc Sơn Hà Đắk Lắk, tuy thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu nhưng vẫn cố gắng bảo đảm thu nhập và phúc lợi cho đội ngũ nhân viên. Ông Ngô Đình Vạn, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Ngoài việc phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua khó khăn thì chúng tôi cũng xem đây là cơ hội để làm mới, làm khác mình bằng việc dành thời gian trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh cho đội ngũ nhân viên sau một thời gian bị cuốn theo thị trường. Đồng thời đây cũng là cơ hội để thử sức mình, mở rộng các thị trường mới, sản phẩm mới, đối tác mới, từ đó tạo ra không gian rộng mở để đội ngũ nhân viên cung cấp sản phẩm của mình đến với các nhà đầu tư, khách hàng ngoại tỉnh tại các thị trường tiềm năng. Công ty cũng đẩy mạnh phát triển giao dịch BĐS trên nền tảng smartphone với ứng dụng LandCon, hướng đến mục tiêu tạo ra nơi giao thương, gặp gỡ giữa "ba nhà" là người mua, người bán và môi giới. Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá và cũng là xu thế tất yếu của ngành BĐS".

Một buổi đào tạo nghiệp vụ do Công ty Đầu tư bất động sản Lộc Sơn Hà Đắk Lắk phối hợp tổ chức.

Bà Dương Thị Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc SALA (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện nay thị trường BĐS của tỉnh còn sơ khai, thị phần nhỏ và dễ thay đổi, dễ bão hòa. Để hồi phục sau khủng hoảng thị trường thì việc đầu tiên là bà cùng đội ngũ nhân viên tập trung nâng cao kiến thức chuyên môn bằng cách học những người thầy hàng đầu trong ngành BĐS tại Việt Nam. Cùng với đó là tìm cách quảng bá hình ảnh của tỉnh cũng như các sản phẩm BĐS tại Đắk Lắk đến với khách hàng tại các thành phố lớn.

Có thể thấy, để thích ứng với tình hình mới, nhiều DN BĐS đã chủ động nâng cao năng lực chuyên môn, cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, tập trung phát triển nhiều hơn những sản phẩm BĐS có giá phù hợp tại các dự án mới để thị trường lưu thông và thanh khoản tốt hơn. Hơn nữa, chuyển đổi số đã và đang được các DN lựa chọn, ứng dụng tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để giữ "nhịp" cho thị trường BĐS

Tuy những giải pháp của Chính phủ và các cấp, các ngành đã góp phần không nhỏ trong "gỡ rối" thị trường BĐS hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc thúc đẩy thị trường này như giá sản phẩm cao, rủi ro tài chính, khó khăn trong thủ tục hành chính và giấy tờ liên quan đến BĐS. Do đó, nhiều DN cho rằng, bên cạnh việc đưa ra những giải pháp phù hợp, Chính phủ cần liên tục cập nhật, đồng thời phối hợp với các địa phương và DN để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS. Về giải pháp lâu dài, mấu chốt vẫn là cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN. Đồng thời, các địa phương cũng cần tích cực nắm bắt tình hình DN trên địa bàn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo các chuyên gia BĐS, Luật Đất đai hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, cần hoàn thiện để tạo ra một hành lang pháp luật mới hiệu quả, có tính thực thi cao, bảo đảm cân bằng lợi ích tất cả các bên. Việc khung giá đất Nhà nước ban hành có chênh lệch lớn với giá thị trường đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy. Do vậy, việc bỏ khung giá đất là hoàn toàn hợp lý, giúp bảo đảm giá đất phù hợp giá trị thực tế, đồng thời hạn chế tình trạng “lướt sóng”, đầu cơ, giúp thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh; góp phần “cởi trói” giá đất địa phương, tạo điều kiện đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường thay vì chịu thiệt thòi khi căn cứ vào khung giá đất.

Thi công xây dựng hạng mục nhà phố thương mại tại Dự án Khu đô thị Eco City Premia Buôn Ma Thuột.

“Để thúc đẩy thị trường BĐS tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững, điều kiện đầu tiên là cần có quy hoạch đồng bộ, toàn diện, rõ ràng, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn. Sau đó cần hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng mở nhưng đảm bảo kiểm soát được và tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên, tức coi BĐS cũng là một loại hàng hóa với tính toàn vẹn của nó là cung tăng cầu tự giảm, có lợi cho người có nhu cầu thực. Cuối cùng là cần có sự quản lý chặt chẽ và đào tạo bài bản lực lượng tham gia trong lĩnh vực BĐS”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Kế chia sẻ.

Trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán tổng thể về thị trường BĐS, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát tinh thần của Nghị quyết 33, trong đó chú trọng quan điểm, mục tiêu; các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan liên quan, cùng quyết tâm của các DN để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc cho thị trường BĐS. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS cụ thể; hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững... Thị trường và DN BĐS phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường, giá cả BĐS hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

“Chúng tôi tập trung vào những sản phẩm mang giá trị thật, tức giá trị sử dụng ngay hoặc tiềm năng trong tương lai gần. Kiên trì duy trì hoạt động giúp đỡ cũng như tư vấn kỹ càng cho từng khách hàng từ pháp lý, quy hoạch, hỗ trợ ngân hàng đến thị trường thực tế, đặc biệt là yếu tố tiềm năng trong tương lai. Hiện nay, các giao dịch BĐS được duy trì chính là nguồn động lực cho đội ngũ nhân viên công ty tiếp tục làm việc và tạo lòng tin cho khách hàng, nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Giống như hiệu ứng "vết dầu loang", ban đầu tuy nhỏ nhưng nếu làm tốt sẽ phát triển ra cả thị trường rất nhanh” - Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc SALA Dương Thị Lan.

 

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.