Hơn 1.241 tỷ đồng để hỗ trợ huyện M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn
UBND tỉnh vừa có Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 3/4/2023 về hỗ trợ huyện M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025.
Kế hoạch với mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu “bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Đến năm 2025, huyện M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025.
Trồng rừng keo lai là một trong những hướng phát triển kinh tế cho người dân huyện M'Drắk. |
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 gồm: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4 - 5 %/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều) giảm bình quân từ 6 - 7%/năm; quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 là 60%; đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến năm 2025 phấn đấu đạt từ 40 triệu đồng đến 45 triệu đồng/người/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã còn 7/13 xã, chiếm tỷ lệ 53,85%.
Nội dung hỗ trợ của kế hoạch bao gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ ưu tiên lồng ghép. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp sẽ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai Đề án hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện cả giai đoạn khoảng hơn 111,6 tỷ đồng (Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng hơn 104,1 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng hơn 6,9 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác khoảng 500 triệu đồng).
Người dân xã Cư Króa làm đường giao thông nông thôn. |
Nội dung hỗ trợ ưu tiên lồng ghép sẽ ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực lồng ghép vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp và nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, còn có nguồn vốn đầu tư phát triển khác như ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện đầu tư trên địa bàn huyện nghèo từ các nguồn vốn đầu tư khác với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 350,2 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Dự kiến nhu cầu vốn thực hiện cả giai đoạn là hơn 1.241 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là gần 960 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 269 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là hơn 13 tỷ đồng).
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc