Multimedia Đọc Báo in

Khi trái cây “làm” du lịch

14:16, 04/04/2023

Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu để phát triển nhiều loại cây ăn quả, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trên thị trường trong nước và thế giới.

Toàn tỉnh có hơn 20.000 ha cây ăn quả; trong đó sầu riêng là 12.000 ha, sản lượng trên 100.000 tấn; bơ trên 8.600 ha, sản lượng trên 80.000 tấn quả xanh; xoài 950 ha, sản lượng 7.000 tấn; vải 632 ha, sản lượng 2.600 tấn...

Vào đầu hè, nhiều loại quả thơm ngon như: sầu riêng, bơ, chôm chôm, xoài, mít, ổi, na, thanh long, bưởi... đến vụ cho trái ngọt. Có lẽ vì thế mà nhiều tín đồ du lịch thường chọn thời điểm mùa trái chín để đến Đắk Lắk. Chị Ngô Thanh Trang, đến từ tỉnh Hải Phòng chia sẻ, chị đến Đắk Lắk 3 lần và lần nào cũng chọn đúng dịp hè. Vào mùa này, trái cây tươi, ngon, giữ được độ ngọt khi vừa hái ra từ vườn, giá lại khá “mềm”. Việc uống ly cà phê thơm ngon chính hiệu Ban Mê ngay trên mảnh đất này, được thưởng thức nhiều loại cây trái sản vật của địa phương với chị Trang là niềm thích thú không gì bằng.

Du khách và chuyên gia trong, ngoài nước tham quan vườn bơ của anh Trịnh Xuân Mười ở TP. Buôn Ma Thuột.

Anh Lê Trung Hiệp ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) có hơn 1,5 ha sầu riêng canh tác theo hướng VietGAP. Dịp Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 9/2022, anh là một trong những hộ nông dân tham gia đăng ký phục vụ du khách trải nghiệm tại vườn cây. Anh Hiệp cho hay, với không ít du khách, lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy cây sầu riêng, quả sầu riêng treo lủng lẳng trên cành; được chụp ảnh, thưởng thức trái chín sạch, an toàn trong không gian miệt vườn... cảm thấy rất thú vị.

Xu hướng trở về với thiên nhiên được nhiều người lựa chọn nên nông trại trồng bơ của anh Trịnh Xuân Mười ở thôn Cao Thành (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh. Trên diện tích hơn 10 ha, anh Mười trồng đa dạng các giống bơ. Từ những giống Bơ của địa phương, bơ đầu dòng do anh lai tạo đến các giống bơi nhập ngoại như bơ booh, bơ hass. Anh Mười chia sẻ, nhờ tiếp cận được với các chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực nông nghiệp, cộng với việc đi nhiều nơi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong, ngoài nước nên khi có giống bơ mới, anh đều tiếp cận, trồng thử nghiệm.

Nhờ nắm bắt tốt kỹ thuật, anh Mười không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cây bơ. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. Hiện tại, vườn cây của gia đình anh cho sản lượng hơn 150 tấn/năm và gần như cho trái quanh năm.

Du khách và chuyên gia ngành nông nghiệp tham quan, tìm hiểu vườn bơ của anh Trịnh Xuân Mười ở TP. Buôn Ma Thuột.

Từ năm 2010 trở đi, vườn cây của anh đón thêm nhiều lượt khách đến đến tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động trải nghiệm. Không ai khác, anh Mười là người trực tiếp hướng dẫn ra du khách xem vườn cây, say sưa giới thiệu quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa tán, cành; thu hoạch, bảo quản quả...., hoàn toàn không thu phí. Vào những dịp cuối tuần, có thời điểm, anh Mười đón những đoàn khách hơn 100 người.

Có thể thấy, từ “thủ phủ” của cà phê đến sở hữu nhiều diện tích cây ăn trái, Đắk Lắk có những “sản vật” làm say lòng người và lưu luyến bao hoài niệm mỗi khi mùa quả đi qua. Vì thế tỉnh cũng có cơ hội bứt phá phá triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động này sẽ kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm, đem lại nguồn thu cho nông dân, tạo dấu ấn riêng về văn hóa, cảnh quan sinh thái từng địa phương trong tỉnh nếu có sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Vấn đề ở chỗ, để tiềm năng du lịch nông nghiệp được đánh thức, cần một “cú hích” đủ mạnh. Trước mắt, nông dân cần được hỗ trợ về pháp lý, dịch vụ du lịch, đón khách bài bản hơn... để có thêm nhiều trải nghiêm thú vị cho du khách.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.