Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý thuế lĩnh vực vận tải

08:00, 04/04/2023

Thời gian qua, ngành thuế thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý thu thuế, chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu của Cục Thuế Đắk Lắk, toàn tỉnh quản lý thuế đối với 211 tổ chức kinh doanh vận tải, trong đó có 183 doanh nghiệp và 28 hợp tác xã kinh doanh vận tải. Số phương tiện vận tải được quản lý thuế là 5.348 xe, tăng 285 xe so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số thuế kinh doanh vận tải thu nộp vào ngân sách nhà nước năm 2022 là gần 20,7 tỷ đồng. Cùng với đó, ngành thuế tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế đối với 29 đơn vị kinh doanh vận tải, số tiền truy thu, xử phạt hơn 2 tỷ đồng.

Xe khách tập kết tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng công tác quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh vận tải còn gặp một số khó khăn, hạn chế.

 

“Ngành thuế sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh trong việc cung cấp thông tin, danh sách cấp biển số vàng, kiểm tra giấy vận tải, hợp đồng vận chuyển… để triển khai thực hiện hiệu quả việc quản lý thuế đối lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhằm chống thất thu ngân sách” - ông Nguyễn Công Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk.

Cụ thể, công tác rà soát xe kinh doanh (xe mang biển số màu vàng) của cơ quan công an cung cấp còn chậm, số lượng rà soát chưa cao; hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô có quy mô hoạt động rộng, kinh doanh lưu động, không có địa điểm cố định, chủ phương tiện thường xuyên vắng mặt tại địa phương; các phương tiện đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng đi đăng ký cấp phù hiệu kinh doanh vận tải và đăng ký nộp thuế tại các tỉnh khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ không đăng ký kinh doanh nên không có luồng tuyến cố định và trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế; xe đã qua mua bán nhưng không thay tên đổi chủ, không đăng ký thuế…

Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk Nguyễn Công Tùng cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải, ngành thuế sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện kiểm tra, rà soát, đưa số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh vào quản lý chặt chẽ theo quy định; tổ chức đối thoại, nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ để nắm bắt thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh vận tải để hướng dẫn, giải quyết vướng mắc kịp thời; công khai thông tin các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế trên phương tiện thông tin đại chúng và trên Trang thông tin điện tử Cục Thuế. Cùng với đó, ngành thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế về lĩnh vực kinh doanh vận tải, bảo đảm thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Lực lượng chức năng làm việc với một nhà xe về quy định trong hoạt động vận tải hành khách.

Giải pháp trọng tâm của ngành thuế trong năm nay là quản lý chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo hình thức hợp tác kinh doanh với cá nhân có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đối với Chi cục Thuế các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao về thuế. Thực hiện quản lý, phân loại đối tượng rủi ro, biện pháp quản lý theo đối tượng rủi ro; kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; phân tích báo cáo tài chính, tờ khai thuế để kiểm tra, đối chiếu, xác định tính đúng của hồ sơ khai thuế và các rủi ro, yếu tố nghi vấn để yêu cầu doanh nghiệp giải trình, kê khai bổ sung.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.