Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam sẵn sàng chung tay chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững

07:42, 26/04/2023

Với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững tại Hà Nội thu hút sự tham gia của 300 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu quốc tế. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Á đăng cai tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng.

Hội nghị nhằm xem xét các rào cản, khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống LTTP và đề xuất các giải pháp, tập trung vào bốn vấn đề gồm: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; các chính sách cùng quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.

Sản xuất cà phê theo hướng bền vững ở Đắk Lắk

Ứng phó với cuộc khủng hoảng mới

Theo các báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người trong năm 2021. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn ba thập kỷ rưỡi so với kế hoạch. Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO cho rằng: bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống LTTP theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.

Tại Việt Nam, trong khoảng 30 năm trở lại đây đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo, bảo đảm an ninh LTTP và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy mô nông nghiệp Việt Nam chủ yếu nhỏ, manh mún. Người sản xuất nông nghiệp vẫn nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới nổi và các biến động thị trường. Tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động đối với môi trường; kèm theo đó là sự xuất hiện của những hình thái mới về mất an ninh dinh dưỡng trong chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thay đổi nhanh chóng, đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng, tiêu chuẩn công bằng và bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, mà Việt Nam đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Hệ thống LTTP năm 2021. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp.

Sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững ở Đắk Lắk.

Cần sự đồng hành của các nước

Nhằm chung tay ứng phó với những vấn đề khủng hoảng mới của toàn cầu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp đó là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030”.

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực. Đồng thời, với sự hỗ trợ của các tổ chức Liên hiệp quốc (FAO, UNDP, UNIDO…), các tổ chức quốc tế, cộng đồng nhà tài trợ, ngành nông nghiệp đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo LTTP”; đang xây dựng “Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp”; đang triển khai thực hiện “Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ”; đang thí điểm tính toán dấu chân các-bon cho chuỗi lúa gạo, cà phê, thanh long và tôm…

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công hệ thống LTTP, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp, tư nhân và người dân cùng chung tay thực hiện theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.