Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng lương thực nghiêm trọng ở “lục địa đen”

09:01, 24/12/2022

Theo chỉ số thích ứng toàn cầu Notre Dame đo lường độ tổn thương của các quốc gia, trong số 20 quốc gia được xếp hạng là dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu thì có tới 16 nước là ở châu Phi.

Biến đổi khí hậu, cùng với xung đột, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ ở nhiều nước châu Phi hiện nay…

Theo một kết quả khảo sát được Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) công bố ngày 20/12, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi. Đây là khảo sát về khí hậu đầu tiên của EIB thực hiện tại các quốc gia châu Phi bao gồm Angola, Cameroon, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Jordan, Kenya, Morocco và Tunisia.

Kết quả khảo sát khẳng định biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân châu Phi, với 61% cho rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, hơn 1/3 (34%) tổng số người tham gia khảo sát cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân ở đất nước họ đang phải đối mặt, bên cạnh những thách thức lớn khác như lạm phát hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở thị trấn Laisamis, Marsabit (Kenya). Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), 278 triệu người tại châu Phi đã đối mặt với nạn đói trong năm 2021 - một con số kỷ lục. Các nguyên nhân khiến "lục địa đen" rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có được chỉ ra gồm biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19, giá cả leo thang và các cuộc xung đột.

Liên tiếp trong 4 năm qua, khu vực Đông Phi đã không có mùa mưa và các nước phải trải qua hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới. Chương trình lương thực thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) cho biết khoảng 22 triệu người trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và dự kiến sẽ lên đến 26 triệu người vào tháng 2/2023 nếu không có mưa.

Cùng với đó, từ lâu, xung đột đã là nguyên nhân dẫn đến nạn đói tại châu Phi. Xung đột buộc người dân phải đi sơ tán, ảnh hưởng tới kế sinh nhai, hoạt động nông nghiệp và các nguồn lương thực cũng như gây nguy hiểm cho các hoạt động nhân đạo. Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, số người phải rời bỏ nhà cửa ở châu Phi đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua, lên mức kỷ lục 36 triệu người vào năm 2022, chiếm gần một nửa số người phải di dời trên thế giới. Theo Dự án Dữ liệu vị trí xung đột vũ trang (ACLED), một tổ chức giám sát khủng hoảng, các cuộc xung đột đang gia tăng trên khắp "lục địa đen". Nếu như vào năm 2016 đã xảy ra 3.682 cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang ở châu Phi thì vào năm 2021, con số này lên tới 7.418 cuộc.

Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi và làm xao nhãng hoạt động của các tổ chức nhân đạo trong nửa đầu năm nay. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng gây khủng hoảng nguồn cung phân bón khiến sản lượng ngũ cốc ở Tây Phi có thể giảm 20% theo ước tính của WFP.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu các nước châu Phi không hành động nhanh chóng thì hóa đơn nhập khẩu lương thực ở mức 43 tỷ USD năm 2019 có thể lên tới 110 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch COVID-19 khiến châu Phi phải đối mặt với những "cơn gió ngược" kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Sau nhiều năm vay mượn, các quốc gia ở châu Phi đang chật vật để trả nợ. Theo IMF, 19 trong số 35 nước có thu nhập thấp tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chính phủ các nước này không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình và do vậy cần phải cơ cấu lại nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ.

Trong khi đó, các chính phủ châu Phi chưa nỗ lực hết sức để ngăn chặn khủng hoảng lương thực tái diễn. Phân tích của tổ chức từ thiện Oxfarm (Anh) đối với 39 quốc gia châu Phi cho thấy chi tiêu ngân sách dành cho nông nghiệp của các nước này đã giảm trong giai đoạn 2019 - 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu các nước châu Phi không hành động nhanh chóng thì hóa đơn nhập khẩu lương thực ở mức 43 tỷ USD năm 2019 có thể lên tới 110 tỷ USD vào năm 2025.

Để hỗ trợ châu Phi vượt qua khủng hoảng lương thực, nhiều nước trên thế giới đã cam kết viện trợ hàng trăm triệu USD, nhất là hỗ trợ khu vực Sừng châu Phi nơi đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. WFP cũng đã mở rộng quy mô hoạt động của mình ở vùng Sừng châu Phi để giải quyết tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng bằng cách cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng và thực phẩm cứu sinh cho các cộng đồng bị ảnh hưởng; tuy nhiên, WFP cho biết họ cần 1,27 tỷ USD trong 6 tháng tới để ứng phó với hạn hán nghiêm trọng đang tàn phá Kenya, Ethiopia và Somalia với 22 triệu người không được đảm bảo lương thực do hạn hán.

Từ ngày 13 đến 15/12 vừa qua, Mỹ đã đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi với sự tham dự của hơn 40 nhà lãnh đạo châu Phi, kết thúc bằng một loạt cam kết tài chính cho châu Phi. Đó là khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là các thỏa thuận thương mại đầu tư hai chiều trị giá hơn 15 tỷ USD nhằm thúc đẩy các ưu tiên chính gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên bố sẽ dành 55 tỷ USD cho “lục địa đen” trong 3 năm tới.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.