Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số

04:53, 19/04/2023

Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, cũng như khả năng cạnh tranh khốc liệt ở nền tảng mới đặt ra yêu cầu bức thiết cho doanh nghiệp (DN) phải xây dựng thương hiệu trong thời đại kỷ nguyên số.

Để trở thành thương hiệu được đánh giá cao về uy tín trên thị trường với mạng lưới rộng khắp trên 75 quốc gia, Công ty Xuất nhập khẩu Một thành viên 2-9 Daklak (Simexco Daklak) đã trải qua 30 năm nỗ lực, bền bỉ tạo dựng thương hiệu. Ngoài việc chú trọng khâu hình ảnh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu như logo nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, đơn vị luôn quan tâm xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng; chuẩn hóa các quy trình sản xuất; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, Simexco đã áp dụng công nghệ hiện đại như số hóa, kiểm soát thông tin bằng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, big data (dữ liệu lớn), một số vùng đã giảm được 60% lượng khí thải; hướng tới về cân bằng và bán được tín chỉ carbon. Hiện nay, Simexco Daklak là thương hiệu được đánh giá cao về uy tín trên thị trường với mạng lưới rộng khắp trên 75 quốc gia, sản lượng 120.000 tấn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Hoạt động sản xuất của Simexco Daklak tại nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Còn với Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ (TMDV) Nông Trại EDE với thương hiệu cà phê và sô cô la MISS EDE, lợi thế là DN trẻ, quy mô nhỏ nên công ty dễ dàng áp dụng công nghệ quản trị DN cũng như các nền tảng truyền thông, bán hàng đa phương tiện. Để củng cố và tăng độ nhận diện cho thương hiệu, MISS EDE đã có mặt thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng thương mại điện tử, đẩy nhanh quá trình số hóa trong phát triển thương hiệu. “Hiện nay, xu hướng số hóa cuộc sống cũng như thói quen sử dụng các nền tảng công nghệ của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ đang ngày càng chiếm đa số, các DN cũng cần phải thay đổi để thích ứng với xu thế này” - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Nông Trại EDE Hoàng Danh Hữu chia sẻ.

Đắk Lắk hiện có hơn 12.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi DN sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức cho DN trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh bày tỏ, rào cản lớn nhất vẫn là thiếu nguồn lực đầu tư cho hoạt động quảng cáo tiếp thị (marketing) và phát triển thương hiệu trên các nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày nay kết nối với các thương hiệu chủ yếu thông qua các kênh truyền thông nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Điều đó có nghĩa là các chiến lược marketing truyền thống phải được thiết kế lại để phù hợp với những thay đổi của mối quan hệ thương hiệu.

Sản phẩm mang thương hiệu MISS EDE được quảng bá, giới thiệu tại Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây mỗi mặt hàng chỉ có vài nhà sản xuất, còn hiện nay một mặt hàng có hàng trăm nhà sản xuất khác nhau. Lúc này, tuy DN có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh hơn nhưng cũng là thách thức lớn khi phải chứng minh được tính khác biệt và hấp dẫn nhóm khách hàng mục tiêu. Cạnh tranh càng nhiều bắt buộc DN phải cung cấp được những sản phẩm mới, chất lượng, tiện lợi. Đặc biệt, khi có nhiều sản phẩm cùng loại để lựa chọn thì thương hiệu là yếu tố mang tính quyết định.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương nhận định, trong thời đại 4.0, vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu trở nên cấp thiết, vì nó mang lại cho DN nhiều cơ hội phát triển. Vì vậy, cùng với sự quan tâm của Nhà nước trong đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, các DN cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, chú trọng xây dựng thương hiệu bằng chiến lược bài bản và quyết tâm mạnh mẽ hơn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.