Chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
Để nâng cao giá trị nông sản rất cần xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá nông sản địa phương... Vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp và ngành chức năng của tỉnh đang tích cực đẩy mạnh kết nối, liên kết sản xuất, gia tăng chế biến để giành thế chủ động trong tiêu thụ nông sản.
Mở thêm nhiều “cánh cửa”
Đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất là một trong những giải pháp để chủ động trong việc tiêu thụ nông sản. Hướng vào mục tiêu này, tháng 3/2023, Tập đoàn Vạn Hòa Holding đã đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở kinh doanh Vạn Hòa Đắk Lắk tại TP. Buôn Ma Thuột, hướng đến phát triển chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu 5.000 ha; hoàn thiện hệ thống cơ sở đóng gói tại Đắk Lắk lên đến 30.000 m2, công suất 100.000 tấn/năm. Điều này cũng mở ra nhiều kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho quả sầu riêng Đắk Lắk.
Phân loại, đóng gói xuất khẩu sầu riêng tại một cơ sở thu mua ở huyện Krông Pắc. |
Cùng mục tiêu thúc đẩy đầu ra cho nông sản, đầu tháng 4 vừa qua, Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk đã khai trương Trung tâm Giới thiệu và kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk, sản phẩm của Hội Nữ doanh nhân tỉnh và dịch vụ du lịch lữ hành Buôn Ma Thuột tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Trung tâm Giới thiệu và kết nối xúc tiến thương mại). Đây là điểm trưng bày, giới thiệu, kết nối xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hoạt động này được coi là mở thêm “cánh cửa” đưa nông sản đến với thị trường trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk cho hay, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác trên toàn thế giới thông qua các kênh xuất khẩu trực tuyến và trung chuyển, qua đó giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận đối tác nước ngoài để xuất khẩu thuận lợi.
Để giành thế chủ động trên thị trường
Từ năm 2022, một số thị trường đã đưa ra nhiều quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng, cũng như truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói. Trước thực tiễn đó, cơ quan quản lý địa phương đã có thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất; cập nhật thông tin liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, quy tắc xuất xứ hàng hóa; đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ các hợp tác xã, người dân, doanh nghiệp thực hiện quy trình sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm...
Khai trương Trung tâm giới thiệu và kết nối xúc tiến thương mại của Hội nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk tại TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: C. Dung |
Thời gian qua, nông sản của tỉnh đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường lớn, ở những quốc gia có tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ hàng hóa. Điều này phần nào cho thấy những chính sách xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến tiêu thụ nông sản địa phương và sự chủ động của doanh nghiệp, người dân đang phát huy tác dụng. Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có mặt trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có các sản phẩm đặc trưng khác như sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hiện nay tỉnh đã có hơn 70 sản phẩm OCOP. Ngành công thương tỉnh đã và đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Bàn cách để nâng cao giá trị nông sản và đẩy mạnh xuất khẩu, theo ông Lâm Nhật Dân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Hòa Holding, đối với mặt hàng rau củ quả, cách tốt nhất để giành thế chủ động trong sản xuất là ổn định vùng nguyên liệu và đầu tư vào chế biến. Việc làm này đòi hỏi phải có vốn, thời gian và kỹ thuật. Trong đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm chất lượng và điều chỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp là cần thiết. Đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn chủ động hỗ trợ hợp tác xã và người dân về vốn sản xuất, tập huấn các quy trình kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu cũng như áp dụng sổ nhật ký điện tử nhằm chuyển đổi công nghệ số trong sản xuất... Riêng với cây khoai lang, doanh nghiệp đã liên kết với người dân tại các huyện trong tỉnh xây dựng mã vùng trồng cho hơn 130 ha. Dài hạn hơn, đơn vị xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ sầu riêng và khoai lang với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa; liên kết với các doanh nghiệp cơ sở đóng gói khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cùng nhau hợp tác, liên kết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ở góc độ người sản xuất, anh Lê Trung Hiệp, nông dân xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) cho rằng, việc làm ra nông sản chất lượng cung ứng thị trường, trước hết nông dân là người có lợi. Điều này cũng là động lực tác động ngược trở lại, thôi thúc sản xuất an toàn. Tuy nhiên, anh mong muốn, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cần tìm đầu ra ổn định cho nông sản, tập huấn cho bà con nông dân về quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu... Đặc biệt, hỗ trợ nông dân thêm các khâu sơ chế sản phẩm và đầu tư vào khâu bảo quản, chế biến thành những sản phẩm gia tăng giá trị.
Theo nhiều doanh nghiệp, tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông sản, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật, qua đó gia tăng giá trị nông sản để xuất khẩu bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, việc kết hợp nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu... cũng sẽ mở ra nhiều cánh cửa thị trường mới. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc