Multimedia Đọc Báo in

“Đòn bẩy” tài chính cho người xuất khẩu lao động

08:07, 05/05/2023

Những năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhiều người dân ở huyện Cư M’gar lựa chọn để thoát nghèo, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể xoay sở được số vốn ban đầu để lo chi phí XKLĐ.

Gia đình chị Đặng Thị Hồng Xuyến (ở thôn 5, xã Cư Suê) có ít đất sản xuất, vợ chồng phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Năm 2020, khi con trai là Triệu Minh Hải quyết định đi XKLĐ, chị tìm hiểu và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar tạo điều kiện cho vay 75 triệu đồng từ chương trình cho vay XKLĐ, giúp gia đình vơi bớt gánh nặng về tài chính trong giai đoạn chuẩn bị cho con xuất cảnh. Sau hơn 2 năm lao động ở Nhật Bản, hiện thu nhập của con trai chị Xuyến đang ở mức từ 28 - 30 triệu đồng/tháng. Từ số tiền con trai gửi về, gia đình chị đã sửa sang nhà cửa, mở tiệm tạp hóa và trả nợ theo phân kỳ vốn vay cho ngân hàng.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar hướng dẫn chị Đặng Thị Hồng Xuyến (thứ 3, từ trái sang) các thủ tục trả nợ theo phân kỳ vốn vay.

Cũng trong năm 2022, khi con trai đầu Lý Mạnh Thìn đang học tại một trường cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh có nguyện vọng XKLĐ ở Nhật Bản, ông Lý Văn Cương (xã Cư Suê) rất trăn trở bởi chưa thể xoay sở đủ kinh phí lo cho con. Khi biết đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng có nhu cầu XKLĐ, ông Cương đã làm hồ sơ vay 95 triệu đồng tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar. Tháng 8/2022, anh Thìn sang Nhật Bản làm việc, hiện có mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, giúp anh bảo đảm cuộc sống và gửi về lo cho gia đình.

Tương tự, tại xã Cư Dliê M’nông, có không ít hộ gia đình cũng nhờ được “tiếp sức” kịp thời từ nguồn vốn vay ưu đãi để XKLĐ đã ra nước ngoài làm việc, có cuộc sống ổn định. Đơn cử trường hợp anh Y Yin K'đoh (dân tộc Êđê), tháng 11/2020, được giải ngân 90 triệu đồng để sang Nhật Bản làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp chế biến; với thu nhập tốt, anh từng bước chi trả tiền vay và tích lũy cho gia đình.

Từ số tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động gửi về, ông Lý Văn Cương (xã Cư Suê) đã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Xác định chương trình cho vay XKLĐ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho người dân, góp phần giảm nghèo ở địa phương, thời gian qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đã giải quyết kịp thời các thủ tục hỗ trợ người lao động có nhu cầu vay vốn. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị này đã giải ngân hơn 1,5 tỷ đồng cho 16 khách hàng vay vốn XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar cho biết, chính sách hỗ trợ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài triển khai tại địa phương nhận được sự đánh giá cao từ người dân có nhu cầu XKLĐ. Hầu hết các khách hàng vay vốn đều có công việc ổn định tại nước ngoài, với mức thu nhập khá. Điều này đã tạo ra tín hiệu tích cực để lan tỏa vốn vay ưu đãi đến với người lao động khó khăn trên địa bàn, tạo “đòn bẩy” giúp họ có việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar tiếp tục vào cuộc, lồng ghép vào các hội nghị của ngành chức năng, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu và nắm rõ những thông tin mới về nguồn vốn vay XKLĐ; đồng thời triển khai cho vay kịp thời theo quy định, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay của các lao động đã vay vốn...

Ngày 27/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 39-CTr/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu, triển khai việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước; xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động phù hợp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác này trên địa bàn...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.