Giải ngân vốn đầu tư công: Vì sao vẫn ì ạch?
Mặc dù thời gian qua lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã có nhiều giải pháp đôn đốc, kiểm tra để gỡ khó trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân vẫn “ì ạch”.
“Lẹt đẹt” tỷ lệ giải ngân
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bốn tháng năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 555/4.752 tỷ đồng, chỉ đạt 11,7% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân hơn 320/2.821 tỷ đồng, đạt 11,3% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 235/1.930 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch. Ngoài những nguyên nhân thuộc về chủ quan khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm như: khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thì còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là ở những dự án trọng điểm.
Thi công Dự án đường Đông Tây (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn cho biết, hiện nay Ban đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột; Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, huyện Lắk; Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Pắc và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn… Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân của Ban cũng chỉ ở mức chung của cả tỉnh bởi đa phần các dự án đều tập trung giải ngân vào quý 2 và 3 của năm. Nhiều dự án lại gặp khó khăn về mỏ đất đắp, chẳng hạn như Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana, huyện Lắk còn chưa được quy hoạch mỏ khoáng sản. Hay như Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Pắc và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn lại đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đây cũng chính là "nút thắt" của các dự án đầu tư công trong thời gian qua.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; tích cực, khẩn trương giải quyết các vướng mắc phát sinh nhằm triển khai việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị
|
Theo Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm 2023 cũng chưa có sự bứt phá do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc quy hoạch sử dụng đất của thành phố chưa được phê duyệt đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Điển hình là công tác đấu giá quyền sử dụng đất chưa thể tổ chức dẫn đến việc thu các biện pháp tài chính gặp khó khăn. Ngoài ra, những vướng mắc về thủ tục, sự chồng chéo về quy hoạch hay các quy định, văn bản trong quá trình tiến hành các dự án cũng làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Thúc đẩy dòng vốn lưu thông
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn về mỏ đất đắp phục vụ các công trình, dự án, ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhiều chủ đầu tư muốn tìm vị trí mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải phù hợp, gần công trình, dự án nhưng lại không phù hợp với quy hoạch. Chính vì vậy, Sở đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện tăng cường phát hiện, theo dõi đề xuất, rà soát các mỏ vật liệu để điều chỉnh, quản lý sao cho phù hợp với quy hoạch.
Bên cạnh đó, nhằm gỡ khó cho một số công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nhiều sở, ban, ngành, địa phương cũng đề nghị tỉnh cho phép thực hiện vận chuyển đất đắp cho các công trình song song với bổ sung, hoàn thiện thủ tục. Đồng thời tỉnh cần có cơ chế riêng nhằm tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm trong việc giải quyết vấn đề đất đắp và một số thủ tục liên quan. Đặc biệt, các sở, ngành cần có sự thống nhất để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đối với các vướng mắc cần có hướng dẫn cụ thể cách giải quyết từng vấn đề. Vậy mới mong từng bước gỡ được “nút thắt” trong giải ngân vốn.
Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Pắc và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn chậm tiến độ do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Để đưa dòng vốn đầu tư công sớm hòa cùng "dòng chảy" nền kinh tế, với chức năng là cơ quan quản lý, thanh toán vốn, mới đây Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo Thường trực Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 cho các dự án thành phần để thực hiện.
Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 để đôn đốc việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc