Huyện Krông Năng: Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là OCOP) đã và đang tạo động lực để hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Krông Năng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, giai đoạn 2018 - 2021, Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Thông qua chương trình này, nhiều sản phẩm của địa phương đã có chuyển biến tích cực về chất lượng; bao bì, nhãn mác được chú trọng đổi mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Quan trọng hơn là đã góp phần thay đổi tư duy của người sản xuất, kinh doanh theo hướng làm ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng...
Công nhân Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đang chế biến hạt mắc ca xuất khẩu. |
Điển hình như Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc) liên kết với 50 hộ dân trồng khoảng 50 ha mắc ca chủ yếu trên địa bàn xã Phú Lộc và một số xã lân cận như: Ea Toh, Dliêya, Ea Tân. Sản phẩm của công ty đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; hiện được huyện chấm đạt điểm tiêu chuẩn thăng hạng lên 5 sao. Sản phẩm mắc ca của công ty đã có mặt tại các siêu thị trong nước và xuất khẩu qua các thị trường như: Canada, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan. Chị Nguyễn thị Thu Phương, Giám đốc công ty chia sẻ: Nhật Bản là thị trường rất khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như: bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải đạt mức cho phép, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, hàm lượng các chất dinh dưỡng cao. Sản phẩm mắc ca của công ty hiện đã được đưa vào bán lẻ tại hệ thống siêu thị ở 30/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, sắp tới sẽ được bày bán trên toàn đất nước này. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu, công ty sẽ mở rộng liên kết với các tổ chức, HTX cũng như Hội Nông dân các địa phương trong huyện nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca.
Thành viên HTX Sản xuất Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn Lợi thu hái cà phê. |
Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Krông Năng Lê Ký Sự
|
Tương tự, HTX Sản xuất Nông nghiệp - Thương mại và Dịch vụ Minh Toàn Lợi (thôn Giang Minh, xã Ea Púk) thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Theo ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, từ năm 2014 đơn vị đã liên kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên thành viên yên tâm gắn bó với HTX. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn được thụ hưởng từ các công trình phúc lợi xã hội do HTX đầu tư bằng quỹ phúc lợi cà phê. HTX đã đăng ký sản xuất theo quy trình UTZ và FLO. HTX hiện có hai sản phẩm là cà phê bột và cà phê hạt mang thương hiện Thủy Tiên Krông Năng được công nhận OCOP 3 sao và đang trong quá trình nâng hạng lên 4 sao.
Trên địa bàn huyện có 58 HTX nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nhiều chủ thể OCOP đã tích cực đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... và các trang mạng xã hội để bán hàng và tuyên truyền, quảng bá. Nhờ đó, thương hiệu, nhãn hiệu được nhiều người biết đến, thị trường theo đó mở rộng, giá cả tăng cao và ổn định hơn so với trước.
Ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hình thành vùng sản xuất chuyên canh với quy mô tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; lập các thủ tục, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện… Trong đó, chú trọng tìm kiếm nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triễn lãm... nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc