Multimedia Đọc Báo in

Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk: Đẩy mạnh kiểm soát, thanh toán chi ngân sách nhà nước trên môi trường giao dịch điện tử

08:05, 19/05/2023

Quyết định số 455/QĐ-TTg, ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kho bạc nhà nước đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định 455) đã giao nhiệm vụ số hóa dữ liệu kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước gắn với quy trình quản lý rủi ro và phục vụ lợi ích người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định 455, trên cơ sở chế độ, chính sách quy định của Nhà nước và hướng dẫn của hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN), KBNN Đắk Lắk đã kịp thời triển khai công tác kiểm soát chi chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục quy định đảm bảo có chất lượng và tiến độ đề ra.

Đặc biệt, từ khi có Thông tư số 87/2021/TT-BTC ngày 8/10/2021 của Bộ Tài chính về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN (Thông tư số 87) và Quyết định số 935/QĐ-KBNN ngày 4/3/2022 của Tổng Giám đốc KBNN quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN (Quyết định 935), công tác kiểm soát chi các đơn vị KBNN trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển tích cực, gắn liền với quá trình hiện đại hóa hoạt động KBNN thông qua việc gửi, nhận hồ sơ kiểm soát chi và thanh toán trên môi trường điện tử một cách đồng bộ, thống nhất để nhằm đạt được mục tiêu vừa nâng cao chất lượng kiểm soát chi, vừa lấy khách hàng giao dịch làm trung tâm phục vụ theo định hướng cải cách hành chính của hệ thống ngành.

Công chức Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk xử lý hồ sơ, chứng từ trên môi trường điện tử.

Theo đó, trong thời gian qua, KBNN Đắk Lắk đã có các giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo bước chuyển từ nhận thức đến việc tổ chức thực hiện trong hoạt động tại đơn vị. Trước hết, đơn vị chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thuộc lĩnh vực kế toán và kiểm soát chi; thường xuyên cập nhật, hệ thống hóa các văn bản, chế độ, chính sách, nhất là các văn bản mới, có tính chất liên ngành, có mối liên hệ điều chỉnh nghiệp vụ liên quan để triển khai đến từng cá nhân tự nghiên cứu, tổ chức thảo luận tại đơn vị cấp phòng và KBNN các huyện trực thuộc, sau đó KBNN tỉnh đúc kết kinh nghiệm, thống nhất quy trình, thủ tục nghiệp vụ triển khai đồng bộ, thống nhất cho công chức trong đơn vị thực hiện. Đối với những vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ mang tính phổ quát, có độ khó thì KBNN tỉnh tổ chức hội thảo nghiệp vụ bàn giải pháp xử lý từng nghiệp vụ phát sinh.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thụ hưởng NSNN có dịp tiếp cận, trao đổi nghiệp vụ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi giao dịch, thanh toán với KBNN, KBNN Đắk Lắk chủ trương tổ chức hội nghị khách hàng tại Văn phòng KBNN tỉnh và các KBNN huyện trực thuộc nhằm kịp thời hướng dẫn, thống nhất cách xử lý nghiệp vụ cũng như phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả khi gửi - nhận hồ sơ giao dịch điện tử thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến KBNN. Cách làm này không chỉ giải quyết tốt “điểm nghẽn” về nghiệp vụ mà còn tạo môi trường giao dịch thân thiện, thu hẹp khoảng cách, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, cởi mở và sự cảm thông, từ đó đáp ứng được yêu cầu về giao dịch nhanh hơn, chất lượng hơn.

Hiện nay, tổng số các đơn vị giao dịch tại Văn phòng KBNN tỉnh và 14 KBNN huyện, thị xã trực thuộc là 2.017 đơn vị, với gần 8.000 tài khoản giao dịch. Từ tháng 3/2022 (ngày Quyết định số 935 có hiệu lực) đến nay, các đơn vị KBNN trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi và thực hiện thanh toán thông qua cổng dịch vụ công KBNN là 513.506 hồ sơ, trong đó hồ sơ giao dịch trước hạn và đúng hạn là 505.568 hồ sơ (trước hạn: 202.683 hồ sơ, đúng hạn: 302.885 hồ sơ) và hồ sơ giao dịch quá hạn là 7.938 hồ sơ. Như vậy, hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn chiếm 98,45%, hồ sơ quá hạn chiếm 1,55%.   

Theo thống kê về hồ sơ trước hạn và đúng hạn cho thấy, bình quân một ngày, đơn vị KBNN đã thực hiện kiểm soát, thanh toán thành công gần 1.700 hồ sơ, theo đó cứ mỗi phút trôi qua, công chức kho bạc đã hoàn thành công tác kiểm soát và thanh toán khoảng 4 hồ sơ do các đơn vị giao dịch gửi qua dịch vụ công. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát, thanh toán, thể hiện được trình độ, năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và độ am hiểu về công nghệ để giao dịch trên môi trường mạng, cùng tinh thần phục vụ khách hàng một cách chu đáo, nhanh chóng và trách nhiệm.

Đối với hồ sơ quá hạn, qua theo dõi chứng từ phát sinh hằng ngày tập trung chủ yếu vào hai thời điểm cuối năm (tháng 12/2022) và đầu năm 2023 (tháng 1/2023), đây là thời gian cao điểm các đơn vị ào ạt gửi hồ sơ qua cổng dịch vụ công KBNN làm cho đường truyền bị tắt nghẽn hoặc gián đoạn, treo máy, chữ ký số bị lỗi, có tác động đến quá trình tích hợp, liên thông giữa các chương trình (DVC, Tabmis, TTSP, TTLNH…). Mặt khác, lúc này một lượng lớn hồ sơ của đơn vị giao dịch gửi đến cần xử lý cùng một thời điểm đã ảnh hưởng đến thời gian công chức tiếp nhận, kiểm soát, thanh toán, phần nào tạo áp lực lớn về thời gian giải quyết hồ sơ, chứng từ đối với đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán dẫn đến phát sinh giao dịch quá hạn. Dù chủ yếu do nguyên nhân khách quan, song để giải quyết vấn đề này, thời gian tới KBNN Đắk Lắk sẽ nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục trong nội bộ đơn vị nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm soát, thanh toán để giảm thiểu rủi ro, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng.

     ThS. Nguyễn Công Điều

    Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.