Multimedia Đọc Báo in

Krông Ana: Ứng dụng khoa học, nâng cao giá trị cây lúa

08:43, 28/05/2023

Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây lúa và bảo vệ sức khỏe người dùng, ngành nông nghiệp huyện Krông Ana đã quan tâm triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Lợi ích kép

Thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển các mô hình canh tác mới, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó khai thác thế mạnh của cây lúa nước trên địa bàn.

Nông dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) thu hoạch lúa Đài Thơm 8 vụ đông xuân 2022 - 2023.

Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP vụ đông xuân 2022 - 2023 với quy mô 15 ha triển khai tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. 10 hộ dân tham gia mô hình đã nắm bắt và áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng giống lúa ST25 xác nhận, cây ít sâu bệnh, hạn chế số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chi phí, làm ra sản phẩm lúa gạo bảo đảm chất lượng, an toàn. Năng suất lúa trung bình đạt 10 tấn/ha, cao hơn 2 tấn/ha so với phương thức sản xuất truyền thống, lợi nhuận cũng cao hơn, khoảng 6,1 triệu đồng/ha.

Vụ đông xuân năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I (xã Quảng Điền) liên kết với 22 nông dân địa phương tổ chức sản xuất theo dự án “Hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giống lúa thuần Đài Thơm 8” trên diện tích 40 ha. HTX bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá cao so với thị trường hơn 1.000 đồng/kg lúa tươi.

Ông Đoàn Công Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I cho biết, tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 70% chi phí vật tư đầu vào như: phân, giống, thuốc bảo vệ thực vật; được tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chăm sóc lúa, thu mua tập trung, bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất, thực hiện tốt chủ trương liên kết. Giống lúa Đài Thơm 8 trồng theo phương thức này cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao với năng suất đạt đến 12 tấn/ha.

“Chìa khóa” nâng cao giá trị

Là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn của tỉnh, hằng năm huyện Krông Ana gieo trồng khoảng 12.000 ha, năng suất trung bình đạt hơn 7 tấn/ha. Đến nay, trên địa bàn huyện đã đưa vào canh tác khá thành công nhiều giống lúa nước có năng suất, chất lượng cao như: ST25, ST24, Đài Thơm 8, RVT, OM5451...

Nông dân huyện Krông Ana phơi lúa vụ đông xuân 2022 - 2023.

Tuy nhiên, thói quen canh tác lúa theo phương thức truyền thống như: phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân chưa đúng kỹ thuật, giống lúa chủ yếu do người dân tự chọn... về lâu dài dẫn đến tình trạng thoái hóa giống, ảnh hưởng đến giá trị lúa gạo, thu nhập của người trồng lúa thấp. Do đó, mô hình liên kiết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Ana.

Theo Phòng NN-PTNT huyện, hằng năm địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình sản xuất điểm hỗ trợ người dân, HTX phát triển sản xuất; trong đó ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng, giá trị sản phẩm lúa. Nhiều mô hình đã tạo ra được sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân. Quan trọng hơn, thông qua việc tham gia vào các mô hình, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, hình thành thói quen sản xuất mới để nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích đất. Điều này vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái, môi trường trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.