Multimedia Đọc Báo in

Những đóng góp thầm lặng

15:14, 23/05/2023

Cà phê Buôn Ma Thuột là cái tên có từ trăm năm nay, gắn liền với thủ phủ cà phê Đắk Lắk. Tuy nhiên, đằng sau cái tên trứ danh ấy là sự đóng góp âm thầm của hàng trăm nghìn người lao động cho từng hạt “vàng nâu” này.

Cà phê là một trong những thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, vì vậy chất lượng cà phê là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu. Ngoài việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững thì để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam – Đắk Lắk, còn có sự đóng góp của khoảng 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê. Đó là những người lao động âm thầm nhưng trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho hạt cà phê Buôn Ma Thuột.

Chị Lê Thị Tuyết (bên trái), nhân viên quản lý chất lượng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái kiểm tra chất lượng hạt cà phê sau khi rang.

Chị Lê Thị Tuyết, nhân viên quản lý chất lượng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho biết, chị đã làm công việc này 13 năm nay. Mặc dù hiện nay chế biến sâu về cà phê đã có máy móc hỗ trợ rất nhiều, tuy nhiên rất nhiều khâu cần sự lành nghề, am hiểu, tỉ mẩn của người lao động. Đơn cử như khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào, đòi hỏi phải có kỹ năng và chuyên môn cao để đánh giá bằng cảm quan thông qua việc nhìn, sờ vào hạt cà phê nhằm xem hạt nhân xanh có bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đề ra. Nếu có sự đánh giá sai sót ở khâu này sẽ khiến cho khâu rang không đúng chuẩn, dẫn đến chất lượng cà phê thành phẩm sẽ không tốt, gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của sản phẩm. “Trong chế biến cà phê, mỗi công đoạn đều rất quan trọng để tạo nên một dòng cà phê chất lượng, trong đó khâu rang đóng vai trò hơn 50% trong việc tạo nên chất lượng chính của sản phẩm. Một công nhân rang tuy đã được máy móc hỗ trợ nhưng phải có kỹ năng xử lý nhanh nhạy, vì chỉ cần lơ là một giây thôi cũng khiến sản phẩm bị “lỗi’ và để rang được một mẻ cà phê ngon thì phải đếm từng giây”, chị Tuyết tiết lộ.

Hơn 20 năm trong ngành, thương hiệu “Cà phê An Thái” đã được nhiều nước trên thế giới biết đến. Cà phê đã qua chế biến là mặt hàng kinh doanh cốt lõi của công ty, xuất đi hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc phát triển thương hiệu Cà phê An Thái chính là xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, do đó, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao luôn được công ty chú trọng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định và ngày được nâng cao của một thương hiệu cà phê. Theo ông Nguyễn Trung Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, hiện công ty có khoảng 100 công nhân chính và 200 lao động thời vụ tham gia hoạt động sản xuất. Đối với một công ty chế biến sâu về cà phê thì trong mỗi công đoạn, người công nhân đều đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Chính vì vậy, để nâng cao tay nghề của lao động, mỗi năm công ty đều tổ chức đào tạo nội bộ và gửi lao động đi đào tạo bên ngoài nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao khi đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh những dòng cà phê thương mại, tại Đắk Lắk cũng đã có rất nhiều trang trại, hợp tác xã chế biến cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Với những dòng cà phê này, đòi hỏi sự tỉ mẩn, hiểu biết cà phê ở các khâu, với độ khó gấp nhiều lần.

Anh Nguyễn Văn Khởi thực hiện công việc phân loại nhân xanh tại Trang trại Aeroco Coffee.

Anh Nguyễn Văn Khởi có nhiều năm làm công tác chế biến, sơ chế và phân loại cà phê chất lượng cao tại Trang trại Aeroco Coffee (TP. Buôn Ma Thuột). Công việc của anh chủ yếu là phân kích cỡ, rửa và lên men, phơi cà phê. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng từ giai đoạn phân kích cỡ đã rất quan trọng, nếu không cẩn thận để lựa chọn được những trái cà phê cùng kích cỡ với nhau thì sản phẩm sẽ không đồng bộ về chất lượng khi rang. Bên cạnh đó, việc phơi cà phê dưới nắng như thế nào, bao lâu, cũng đóng vai trò quyết định chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, người lao động phải có mặt thường xuyên để theo dõi mức độ nắng để kiểm tra độ khô, đồng thời đảo liên tục nhằm bảo đảm mức độ khô đồng đều của quả/hạt cà phê. Tùy vào phương pháp chế biến mà thời gian phơi ngắn hay dài, có thể từ nửa tháng đến gần một tháng cho một mẻ phơi hoàn chỉnh. Sau nhiều năm làm việc, mặc dù vất vả hơn cả người nông dân, nhưng bản thân anh rất đam mê với cà phê và mong muốn sẽ được nâng cao tay nghề để góp phần tạo ra những hương vị khác biệt, giá trị đặc biệt cho cà phê khi đến với mọi người, thu hút được nhiều người đến với cà phê Buôn Ma Thuột hơn.

Cũng là một nhân viên của Trang trại Aeroco Coffee, chị Trần Thị Minh Nguyệt làm công việc chính ở khâu pha chế. Nhiều năm học và làm về cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, chị Nguyệt cho biết, người pha chế góp một phần quan trọng đưa hương vị cà phê đến với khách hàng. Để pha chế ra một ly cà phê ngon, người pha chế cần hiểu về những dòng cà phê khác nhau để có những công thức pha riêng biệt. “Tôi từng làm cà phê truyền thống và vốn nghĩ để tạo nên một ly cà phê không cần cầu kỳ. Tuy nhiên, khi đến với công việc này, tôi hoàn toàn thay đổi và nhận thấy, để tạo nên một ly cà phê ngon sẽ phải cần sự tỉ mỉ rất lớn. Do đó, đòi hỏi những người làm pha chế phải có sự am hiểu về cà phê thì mới thu hút được người tiêu dùng tìm đến thương hiệu của sản phẩm một lần nữa”, chị Nguyệt chia sẻ.

Được biết, hiện Trang trại Aeroco Coffee có hơn 10 công nhân đang làm việc ở các khâu chế biến cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. Để tạo nên dòng cà phê chất lượng cao thì mỗi công nhân đều đóng một vai trò rất quan trọng từ khâu rửa, lên men, phơi, đảo… đến khâu cuối cùng là pha chế. “Nếu rửa không sạch thì cà phê sẽ không chuẩn vị, nếu phơi nắng quá to hoặc rang không đúng cũng vậy…, mỗi một công nhân trong quy trình sản xuất đều phải lành nghề để giữ được hương vị đặc sắc của cà phê chất lượng cao khi đến tay người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và hình ảnh thành phố cà phê của thế giới”, ông Lê Đình Tư, chủ Trang trại Aeroco Coffee chia sẻ.

Minh Thuận - Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.