Multimedia Đọc Báo in

Phát triển khoai lang ở vùng trọng điểm: Hướng đi nào bền vững?

08:19, 24/05/2023

Có lẽ chưa năm nào, nông dân trồng khoai lang ở huyện Lắk lại được mùa, được giá như vụ khoai năm nay.

Cũng như nhiều loại cây trồng khác, khoai lang cần hướng sản xuất mang tính bền vững, lâu dài, điều này đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức đối với nông dân, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.

Điệp khúc "được mùa – mất giá"

Trong những năm qua, cây khoai lang tại huyện Lắk cho năng suất, sản lượng cao, dao động từ 25 – 35 tấn/ha. Tuy nhiên, điệp khúc "được mùa – mất giá", "được giá – mất mùa" vẫn là vấn đề khiến cây khoai lang dù đã “bén duyên” với vùng đất này nhưng chưa thể phát triển ổn định và bền vững.

Khoai lang vụ đông xuân 2022 - 2023, tại huyện Lắk có ruộng đạt năng suất trên 30 tấn/ha.

Xã Ea R’bin là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn nhất huyện, ở vụ chính (vụ đông xuân) xã có từ 400 – 500 ha. Tuy nhiên, phần lớn người dân sản xuất theo kiểu nông hộ, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp nên điệp khúc "được mùa – mất giá" vẫn thường xảy ra. Do đó, diện tích trồng khoai cũng trồi sụt bất thường. Đơn cử như vụ đông xuân năm 2021 – 2022, toàn xã có 502 ha khoai lang. Cũng trong vụ này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến mùa thu hoạch, nông dân phải bán đổ bán tháo để gỡ lại chi phí đầu tư. Dù rẻ, nhưng do không có đầu ra nên thương lái cũng không mặn mà, có thời điểm giá chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi héc-ta chủ ruộng lỗ ít nhất 50 triệu đồng.

Năm nay diện tích khoai lang ở xã Ea R’bin giảm hơn 100 ha so với năm ngoái. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin Đặng Xuân Kiên, nếu có đầu ra ổn định, xã Ea R’bin có khoảng 600 – 700 ha đất thích hợp với trồng khoai lang. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết nông dân sản xuất hoàn toàn tự phát, phụ thuộc vào thị trường nên việc phát triển cây khoai lang trên địa bàn vẫn còn bấp bênh.

Cũng vụ đông xuân 2021 – 2022, do giá khoai lang xuống thấp nên nhiều chủ ruộng ở xã Đắk Nuê chọn phương án “găm” khoai tại ruộng, trông chờ giá lên. Tuy nhiên, đến thời điểm khoai trên 6 tháng, giá cả vẫn không cải thiện, cộng thêm để thời gian lâu khiến chất lượng sụt giảm, hư hỏng nhiều, buộc bà con phải thu hoạch để vớt vát một phần chi phí đầu tư.

Bước đệm cho một lộ trình

Hiện tại, giá bán khoai lang dao động từ 14.000 – 14.500 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 250 - 300 triệu đồng/ha sau khi đã trừ các khoản chi phí, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây trồng khác. Song để phát triển bền vững cho loại cây trồng này, cần có một lộ trình phù hợp, cần xây dựng được chuỗi giá trị khép kín.

Khoai lang được thu hoạch và đóng gói tại ruộng.

Vụ đông xuân 2022 – 2023, gia đình ông Trần Văn Đàm (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê) trồng gần 4 ha khoai lang. Lo sợ giá thấp như năm ngoái nên thời điểm khoai được 3,5 tháng ông đã bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín đóng trên địa bàn với giá 250 triệu đồng/ha. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu về khoảng 650 triệu đồng. Nếu để đến thời điểm này bán ra thì mỗi héc-ta có thể thu về 300 triệu đồng. Hiện nay, diện tích trồng khoai của gia đình ông đã làm hồ sơ cấp mã vùng trồng, chờ cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Ông kỳ vọng vào việc cấp mã vùng trồng này để yên tâm trồng khoai lang, được hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và có đầu ra, giá cả ổn định, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

 
Diện tích trồng khoai lang hằng năm trên địa bàn huyện Lắk dao động từ 1.000 – 1.100 ha, tập trung nhiều ở các xã Buôn Triết, Đắk Nuê, Đắk Liêng, Nam Ka và Ea R’bin. Toàn huyện hiện có 360 ha khoai lang đã làm hồ sơ cấp mã vùng trồng - đây là điều kiện bắt buộc và cần thiết để khoai lang của huyện Lắk xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và phát triển một cách bền vững”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ

Chưa năm nào gia đình anh Nguyễn Đình Vinh (buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê) lại phấn khởi như năm nay vì khoai lang vừa được mùa, lại được giá. Cuối năm 2022, khi nghe thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang từ Việt Nam sang Trung Quốc, anh và nhiều hộ dân trồng khoai rất phấn khởi, kỳ vọng rất cao vào việc xuất khẩu khoai lang chính ngạch. Đầu năm 2023, gia đình anh đã hoàn thiện hồ sơ cấp mã vùng trồng đối với toàn bộ diện tích trồng khoai. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mã vùng trồng vẫn chưa được phê duyệt nên khoai vụ đông xuân 2022 – 2023 vẫn bán chủ yếu cho thị trường tự do. Được biết, cách thời điểm thu hoạch một tháng, có khoảng 10 doanh nghiệp đến gặp anh để tìm hiểu, song do toàn bộ diện tích khoai lang 10 ha của gia đình chưa có mã vùng trồng nên họ không ký kết hợp đồng thu mua.

Ông Nguyễn Đình Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê thông tin, vụ đông xuân năm 2022 – 2023, toàn xã có 129 ha khoai lang, hiện đã làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng cho 15 hộ dân, với 130 ha. Đây là bước đệm quan trọng để hình thành và mở rộng mã vùng trồng khoai lang tại xã Đắk Nuê trong thời gian tới.

Về định hướng phát triển khoai lang lâu dài tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện và chính quyền địa phương triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 – 2025. Phối hợp với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm và các hợp tác xã xây dựng mã vùng trồng triển khai tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng giống có năng xuất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng gắn với sản xuất an toàn theo hướng VietGAP. Về thị trường, vận động các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện phối hợp với các doanh nghiệp thu mua hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất để khoai lang có đầu ra ổn định; hình thành mã vùng trồng khoai lang và hoàn thiện hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cấp mã. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân trồng và phát triển theo quy hoạch và kế hoạch giao hằng năm của tỉnh và huyện, khuyến cáo không mở rộng diện tích vượt quy hoạch.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.