Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá

19:09, 23/05/2023

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. 

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu cho rằng những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Đại biểu cho rằng nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, với quy định nêu trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá.

Quan tâm đến vấn đề giá thuốc, đại biểu nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Góp ý về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể trong luật để hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước; khi cần thiết trình Ủy ban Thường vụ quyết định thay đổi danh mục này. Đối với mặt hàng điện, đại biểu đề nghị đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.

Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên đại biểu cho rằng giao cho doanh nghiệp quản lý Quỹ là không phù hợp, cần giao Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Về định giá, đại biểu thống nhất theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ giá sàn nhưng cần thiết duy trì giá trần, để người dân được hưởng giá không quá cao; đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý giá, định giá để ổn định giá cả các mặt hàng…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân. 

Theo đại biểu, giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật, cụ thể Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch Điện VIII…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác các hành vi bị cấm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, Quỹ bình ổn giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc, căn cứ phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, loại bỏ hoặc bổ sung so với các quy định hiện hành, định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, dịch vụ bốc dỡ container, thẩm định giá của Nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.