“Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” để phát triển cà phê bền vững
Những năm gần đây, vấn đề sản xuất cà phê bền vững (phát triển cà phê gắn với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội) được đặt ra như một hướng đi hiệu quả để gia tăng giá trị của loại nông sản này. Và để phát triển cà phê bền vững, rất cần đẩy mạnh ứng dụng chương trình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp – IPHM”.
Theo TS. Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, IPHM là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể (đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích…) nhằm phát huy yếu tố nội tại của cây, gia tăng đa dạng sinh học trong vườn, giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cà phê, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao được giá trị sản phẩm cà phê, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tại Đắk Lắk, IPHM là chương trình tương đối mới, tuy nhiên nguyên tắc của IPHM cũng dựa trên nguyên tắc của IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) đã được triển khai tại địa phương từ những năm 1990 đến nay; chỉ khác là IPHM quan tâm hơn về nền tảng cơ bản của đất sản xuất, hệ sinh thái xung quanh, tính đa dạng của các loài sinh vật và khuyến khích vận dụng vòng dinh dưỡng. Song song với đó là đầu tư thông minh và nông dân phải chuyên nghiệp, có trách nhiệm.
Tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê tại huyện Cư M’gar. |
Thực trạng tại nhiều vùng sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh (nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số) cho thấy, nhiều năm qua nông dân không sử dụng phân hữu cơ để bón cho cà phê, bởi nhiều nguyên nhân như thiếu kiến thức, thiếu kinh phí đầu tư, giá phân bón cao, giá sản phẩm bấp bênh, đầu ra không ổn định… Một số hộ có sử dụng phân hữu cơ thì lượng phân cũng rất ít, bà con chưa hiểu về hệ sinh thái vườn cà phê cùng với mối quan hệ tương hỗ trong đa dạng sinh học, năng suất cà phê ngày càng giảm nhiều, chưa kể những vấn đề ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, tài nguyên và an sinh xã hội liên quan.
Chương trình IPHM tập trung hoạt động kiểm soát hóa chất nông nghiệp (giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật), tăng cường bón phân hữu cơ, phân sinh học; tăng tỷ lệ cây trồng xen, cây che bóng, cây phân tán theo quy trình, quản lý thảm phủ đất, tăng tỷ lệ tưới từ nguồn nước mặt hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng IPHM trong sản xuất cà phê lúc này là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề đất sản xuất đã bị chai hóa, cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng bằng cách trả lại hữu cơ cho đất. Qua đó, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bằng hoạt động cố định nhiều carbon hơn trong đất (có tác dụng giảm carbon khí quyển, từ đó giảm nhiệt độ trái đất) và cải thiện độ phì đất, phục vụ cho phát triển cà phê, góp phần tái sinh lại nền nông nghiệp.
Để đẩy mạnh triển khai ứng dụng chương trình IPHM trong phát triển cà phê bền vững, trước hết cần tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực IPHM của Đắk Lắk thông qua các cơ quan chuyên môn có liên quan như trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông địa phương, cán bộ nông nghiệp cơ sở, kể cả cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất cà phê để làm cơ sở nhân rộng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê theo chuỗi giá trị. Tuyên truyền và phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm cà phê, thông qua các hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả và các phương tiện thông tin truyền thông tại địa phương. Lồng ghép chuyển giao chương trình IPHM vào các cuộc tập huấn của khuyến nông cơ sở.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc