Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nguyên tắc “bốn đúng”

08:17, 25/05/2023

Tháng 12/2022, Bộ NN-PTNT tiếp tục quy định cấm 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh, 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ (trong phụ lục Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam - Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT).

Năm 2023, nhiều hoạt chất hóa học đã bị cấm sử dụng đối với cà phê được chứng nhận (4C, Fair Trade, Rainforest Alliance) cho dù hoạt chất đó được phép sử dụng tại Việt Nam (tại Phụ lục I - Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT).

Minh chứng như hoạt chất Abamectin, Cypermethrin là loại hóa chất đặc trị sâu hại trên cà phê trước kia, hiện tại bị cấm sử dụng trên cà phê chứng nhận Rainforest Alliance, mặc dù vẫn được phép sử dụng trên các loại cây trồng khác tại Việt Nam.

Mới đây (vào tháng 1/2023), Liên minh châu Âu (EU) cũng đăng công báo “siết” quy định dư lượng hóa chất trên nông sản và hạt, theo đó, ngưỡng dư lượng hóa chất trừ sâu trên sản phẩm cà phê là 0,1 mg/kg, hóa chất diệt cỏ trên sản phẩm cà phê là 0,02 mg/kg và diệt nấm là 0,1 mg/kg (Công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng có hiệu lực - theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ). Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU cũng sẽ đối diện với những thách thức mới.

Công ty TNHH Dak Man Việt Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tập huấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trên vườn cà phê.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là chỉ những đơn vị, những cá nhân làm công tác quản lý, chuyên môn, các công ty, đơn vị kinh doanh cà phê xuất khẩu có liên quan thì mới biết đến hoặc được cập nhật những quy định liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng. Còn phần lớn người trực tiếp sản xuất chưa biết những hoạt chất hóa học cụ thể đã bị cấm sử dụng hoặc chỉ biết một vài hoạt chất thuốc trừ cỏ quá độc hại được thông tin trên các phương tiện truyền thông (Glyphosate, 2,4D, Paraquate…).

Để hạn chế tối đa sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nhất là không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng trong sản xuất cà phê chất lượng, cà phê chứng nhận, cần đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển cà phê bền vững, trong đó có hoạt động bảo vệ thực vật cho cà phê.

Phát huy vai trò của các cấp chính quyền và các tổ chức địa phương là đầu mối để liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và nông dân sản xuất cà phê. Phối hợp, liên kết tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn (giảng viên TOT) cấp huyện; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp cơ sở để trực tiếp chuyển giao kỹ thuật và nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất cà phê. Cần tuyên truyền để người nông dân nhận thức được lợi ích đối với gia đình, cộng đồng và môi trường khi sử dụng hóa chất đúng nguyên tắc; từ đó vận động nông dân tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

Theo đó, đúng thuốc là không những dùng đúng các loại thuốc được cho phép mà còn phải biết “thuốc nào – sâu bệnh đó”; biết cách phối đúng những loại thuốc theo nguyên tắc hợp lý với nhau.

Đúng liều lượng nồng độ là không những đong đếm lượng thuốc cần sử dụng trong lượng nước cho phép theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mà còn sử dụng đúng lượng dung dịch thuốc trên đơn vị diện tích.

Đúng cách là phải biết cách hòa, phối thuốc, biết đặc điểm sinh học của cây, biết đặc tính gây hại của từng loại sâu, bệnh (trên lá, thân, hoa, quả) để có cách phun thuốc hợp lý nhất, tránh phun thuốc lên những khu vực không bị sâu bệnh để hạn chế làm tổn hại thiên địch.

Đúng lúc là phải phun đúng vào pha sâu bệnh hại mẫn cảm nhất với thuốc, tránh phun vào những giai đoạn xung yếu của cây (thời kỳ giao phấn), tránh phun vào lúc thời tiết không phù hợp (gió, mưa, quá nắng…)… thì mới phát huy hiệu quả.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.