Multimedia Đọc Báo in

Vận hành hồ chứa thủy điện mùa cạn: Ưu tiên tối đa cấp nước cho hạ du

08:17, 25/05/2023

Từ nay đến cuối mùa cạn năm 2023, lưu vực các sông ở Đắk Lắk nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung đối diện với nguy cơ lớn thiếu hụt nguồn nước. Do đó, việc vận hành các hồ chứa thủy điện phải ưu tiên cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, không để xảy ra thiếu nước ở vùng hạ du.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dòng chảy có thể thiếu hụt 15 - 25% trên các sông ở khu vực Tây Nguyên so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Đập tràn hồ thủy điện Buôn Tua Srah.

Đối với lưu vực sông Sêrêpốk thì hồ Buôn Tua Srah có chức năng điều tiết cho cả vùng hạ du. Ngay từ đầu năm 2023, mực nước hồ đã thấp hơn mực nước dâng bình thường 1,3 m, tương ứng với dung tích thiếu hụt khoảng 50 triệu m3. Sau đó, trong những tháng đầu năm thì diễn biến nước về không được như mong đợi, lưu lượng nước trung bình về hồ chỉ đạt 81% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, cuối tháng 4, đầu tháng 5, tình hình nắng nóng xảy ra trên diện rộng dẫn đến lưu lượng về hồ suy giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 15 - 20 m3/giây. Lượng nước hồ liên tục giảm sâu, đến ngày 5/5, hồ này đã về mực nước chết.

Được biết, hiện có khoảng 2.000 ha lúa nước vụ hè thu canh tác ở vùng hạ du lưu vực sông Sêrêpốk thuộc các huyện Lắk, Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) phụ thuộc vào nước điều tiết của các công trình thủy điện. Ngày 12/5/2023, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên sông Sêrêpốk tổ chức vận hành hiệu quả những hồ chứa nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực các tháng cuối của mùa hạn năm 2023. Theo đó, chủ hồ phải tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để triển khai những giải pháp cấp bách giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cho hạ du. Đối với hồ Buôn Tua Srah, lập kế hoạch vận hành để nâng dần mực nước hồ theo nguyên tắc ưu tiên bảo đảm cho cấp nước, sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ du. Với các hồ khác trên lưu vực, trong quá trình vận hành phải phối hợp điều tiết bổ sung nước cho hồ Sêrêpốk 4 nhằm cung cấp cho hạ du.

Một phần địa phận xã Nam Ka (huyện Lắk) nằm dưới hạ du hồ thủy điện Buôn Tua Srah được ưu tiên cấp nước vào cao điểm khô hạn.
 
Có thời điểm nhà máy không vận hành phát điện được, phải khai thác phần dung tích chết của hồ chứa để phần nào đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt của vùng hạ du”.
 
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah.

Về phía địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Công Thương chủ trì cuộc họp với các ban, ngành liên quan để bàn giải pháp cấp nước cho hạ du. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã khảo sát thực địa và tổ chức họp để lấy ý kiến về việc xem xét điều chỉnh lưu lượng xả hồ chứa Buôn Tua Srah. Phương án được đưa ra là từ nay cho đến cuối mùa hạn, hồ chứa Buôn Tua Srah sẽ tiến hành điều chỉnh nước xả với lưu lượng 37 m3/giây trong vòng 12 giờ/ngày kể từ ngày 17/5/2023. Bên cạnh đó, khi vùng hạ du có yêu cầu cấp nước cao hơn để phục vụ sản xuất, đơn vị chủ hồ sẽ phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khai thác hồ chứa đáp ứng theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, từ ngày 8/5 đến nay, trên lưu vực các hồ chứa nước đã xuất hiện mưa trên diện rộng, do đó lưu lượng nước về hồ chứa đã được cải thiện (khoảng 70 m3/giây), mực nước hồ đã lên cao hơn mực nước chết khoảng 1,3 m. Trên cơ sở tình hình thủy văn hồ chứa và diễn biến mưa như hiện tại, công ty dự kiến sẽ đưa dần mực nước lên mực nước tối thiểu theo quy trình vận hành liên hồ chứa và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của vùng hạ du trong thời gian tới. Trong quá trình khai thác, phía công ty cũng đã báo cáo đến cơ quan chức năng về tình hình và khả năng thiếu hụt nước vào cả mùa khô năm nay. Để xác định chính xác nhu cầu sử dụng nước, công ty cũng đã đề nghị các địa phương lập kế hoạch nhu cầu sử dụng nước cụ thể cho vụ hè thu, trong đó nêu rõ từng thời đoạn sử dụng nước, lưu lượng xả. Đồng thời, các địa phương cử ra một đơn vị làm đầu mối để phối hợp với công ty trong việc trao đổi thông tin, thống nhất kế hoạch khai thác hồ chứa theo yêu cầu từng giai đoạn và thực hiện các giải pháp chống hạn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. “Theo cơ quan chức năng dự báo thì mực nước sẽ thiếu hụt khoảng 10 - 25% so với trung bình nhiều năm, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng. Nếu diễn biến thời tiết bất lợi thì công ty sẽ dự trữ phần dung tích tối thiểu để sẵn sàng huy động trong các tình huống cấp bách có thể xảy ra”, ông Đức cho hay.

Minh Chi – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.