Multimedia Đọc Báo in

Các địa phương được quyết định khu vực phân lô, bán nền

20:31, 26/06/2023

Ngày 20/6, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với nhiều điểm mới về quy hoạch kiến trúc, quản lý đầu tư phát triển đô thị…

Một trong những điểm mới của Nghị định 35 là kể từ ngày 20/6, các địa phương được quyết định khu vực phân lô, bán nền mà không cần có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Theo đó, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định sau: dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ đầu tư được duyệt; việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm tuân thủ nội dung và tiến độ dự án được duyệt; không thuộc khu vực có yêu cầu cao quản lý về kiến trúc cảnh quan, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị.

Một khu đô thị đang hình thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển từng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị để quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân được tự xây dựng nhà ở.

Theo quy định trước đó tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14/1/2013, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.