Phát triển đô thị: Đừng đánh mất không gian “rỗng”!
Vấn đề tổ chức không gian kiến trúc, tạo những không gian sinh hoạt thuận tiện cho người dân đô thị luôn cần được quan tâm.
Đô thị càng phát triển, áp lực về các không gian đô thị này càng tăng. Mới đây, các nhà kiến trúc sư tại Huế đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Rỗng và những khoảng mở đô thị” để bàn về vấn đề này, mong gợi mở những ý tưởng thiết thực về không gian cho các đô thị Việt Nam.
Khao khát những không gian “rỗng”
Theo kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng (Công ty Kiến trúc ANTT Huế), đây là tọa đàm lần thứ hai được các kiến trúc sư tổ chức, nhằm tập hợp những ý tưởng xây dựng những không gian “rỗng” trong kiến trúc đô thị. Khái niệm không gian “rỗng” thực chất là nhu cầu thiết kế những không gian kiến trúc, phối cảnh, đáp ứng không gian đời sống thuận tiện cho người dân đô thị. Trong cuộc sống hối hả hôm nay, nhu cầu này càng trở nên bức thiết, không chỉ với riêng Huế, mà là vấn đề cốt lõi của bất cứ đô thị nào.
Các kiến trúc sư cho rằng, sự hình thành đô thị luôn gắn với phạm vi địa giới hành chính nhất định, được quy hoạch và tổ chức kiến trúc sao cho vừa hài hòa thực tiễn địa lý địa phương, vừa đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt của thị dân. Song do sự phát triển của đô thị, không gian kiến trúc đó ngày một trở nên chật hẹp, với mâu thuẫn giữa nhu cầu sinh hoạt càng ngày càng đa dạng, mà không gian địa lý giữ yên cùng mật độ xây dựng tăng… Để giải quyết, đón trước vấn đề, các đô thị luôn phải vận động sẵn những phương án kiến trúc, tạo các không gian “rỗng” cho các công trình kiến trúc.
Đơn cử tại TP. Huế, trước đây đa phần kiến trúc đều theo kiểu nhà vườn, với các biệt phủ, dinh thự ưu tiên phần đất cho cây xanh, cảnh quan tự nhiên, hồ nước… Do đó, dù kinh thành Huế có diện tích nhỏ, nhưng không gian kiến trúc nhà ở luôn rất rộng rãi, thoáng đãng, đem lại cảm giác tận hưởng thiên nhiên đầy đủ cho cư dân. Không gian “rỗng” của đô thị Huế, vì thế đã được xác lập là những khoảnh sân vườn rộng rãi, những kiểu kiến trúc nhà rường gỗ thanh thoát, việc bố trí công trình trước sau hài hòa…
Khi đời sống đô thị hiện đại tăng lên, không gian “rỗng” cố hữu đó của Huế đã bị phá vỡ bởi nhu cầu, diện tích nhà ở tăng. Các nhà vườn bị cắt xẻ khuôn viên, không gian nhà rường bị thay bằng nhà hộp, diện tích nhỏ hơn và dồn nén không gian sinh hoạt lại. Bởi thế, giới kiến trúc sư phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ mất đi những không gian “rỗng” trong các ngôi nhà. Thực tế càng là đô thị phát triển, vấn nạn này lại càng lớn. Nhiều gia đình ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tự thừa nhận đến việc tạo ra một chỗ ngồi uống trà, ăn cơm có hương vị thiên nhiên, cây cảnh… cũng đã là điều xa xỉ. Đô thị Đà Nẵng trong hơn 20 năm phát triển nhanh chóng vừa qua đang phải đối mặt với xu thế bê tông hóa, làm nóng bức các ngôi nhà và triệt tiêu dần không gian cảnh quan tự nhiên của các ban công, giếng trời… trong các công trình xây dựng. “Khao khát không gian "rỗng" đang trở thành vấn đề của đô thị hiện nay, cần được cảnh tỉnh và thực hiện điều tiết ngay trong mỗi gia đình hiện đại, mỗi thế hệ thị dân hiện đại” - kiến trúc sư Tùng nhấn mạnh.
Đắk Lắk cần định hướng những không gian đô thị mới hài hòa, hiện đại, vừa phải bảo vệ trọn vẹn, xây dựng được những không gian “rỗng”. Ảnh: Hữu Hùng |
Tầm nhìn đô thị cao nguyên
Là đô thị đi sau, TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ… là những điểm nhấn đô thị mới ở vùng cao nguyên Đắk Lắk, và từ kinh nghiệm của các đô thị đi trước cho thấy việc đánh mất không gian “rỗng” là có thể xảy ra. Cho nên, với quy hoạch phát triển hiện nay, Đắk Lắk không thể xem nhẹ việc định hướng những không gian đô thị mới, làm sao vừa hài hòa nhu cầu cuộc sống hiện đại, cách tân, vừa phải bảo vệ trọn vẹn, xây dựng được những không gian “rỗng” cho các thế hệ thị dân tương lai.
Điều phải nhận thấy là sự khác biệt không gian đô thị đồng bằng và cao nguyên. Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… là các đô thị đã có chỉ giới từ trước, xung quanh luôn có những không gian đô thị vành đai “vây hãm”. Cho nên, cơ hội mở rộng không gian đô thị cho các thành phố này không hề dễ dàng. TP. Huế mới đây đã được quy hoạch mở rộng 3,76 lần diện tích. Nhưng không gian này đang bị “nhấn chìm” vì xu hướng hình thành những vùng đô thị mới, kiến trúc đồ sộ hơn, áp lực đô thị hóa, bê tông hóa nặng nề hơn ở các vùng đệm trước đây biến thành khu vực đô thị hiện đại hôm nay. Giá nhà cửa, đất đai tăng vọt, gây áp lực đầu tư cho các vệt đô thị mới, gây “bong bóng ảo” về thị trường địa ốc… Như thế, thị dân Huế tương lai lại càng dễ bị dồn nén, càng thiếu đi những không gian “rỗng”.
Các đô thị cao nguyên thì có không gian “rỗng” bao quanh bên ngoài, là không gian xanh tự nhiên của đại ngàn, của những khu vực đất xung quanh. Việc thiết kế quy hoạch, tổ chức khoa học không gian “rỗng” cho những phần diện tích đô thị mới, gắn với hình ảnh đô thị môi trường, đô thị nông sản, đô thị sản xuất nông nghiệp giá trị cao… là khả thi. Như thế, các vùng đô thị mới của Đắk Lắk sẽ không cần “rập khuôn” những mô típ thiết kế cũ từ các đô thị khác, như cấu trúc nhà hộp “5x20m”, hay nhà ở sở hữu nền đất phân lô cố hữu nữa.
Khi các đô thị mới này được bố trí ở vùng vành đai mới, thiết kế kiểu dáng hiện đại, cao tầng chất lượng hơn, bài trí đi kèm là những không gian cảnh quan sinh thái, công viên cây xanh tự nhiên, kết hợp với những không gian “rỗng” về tổ chức thương mại dịch vụ, nhà phố có công năng linh hoạt, ưu tiên tiện ích cộng đồng văn hóa và xã hội, chắc chắn chất lượng đời sống thị dân sẽ tăng lên. Đòi hỏi về không gian “rỗng” đảm bảo những nhu cầu cuộc sống hài hòa, tiện ích hơn, thuận tự nhiên hơn, sẽ được đặt ra; và đó chính là tiền đề quan trọng để Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ… thực sự là những đô thị giàu không gian “rỗng”!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc