Multimedia Đọc Báo in

Tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn: Kinh nghiệm nhìn từ huyện Ea H’leo

07:17, 27/06/2023

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Ea H’leo đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hội viên nông dân có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Huyện Ea H’leo hiện có 176 chi hội nông dân, với 16.130 hội viên.

Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát các nội dung ủy thác, nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, văn bản chỉ đạo của NHCSXH các cấp.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Hội quản lý thực hiện đầy đủ những nội dung ủy thác, đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung lồng ghép với các hội nghị và các buổi sinh hoạt của các chi hội cơ sở.

Đến nay, có 100% cơ sở Hội đã thực hiện nhận ủy thác với NHCSXH huyện; có 120 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý; thực hiện ủy thác cho vay với 14 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt hơn 157 tỷ đồng, với 4.130 hộ vay.

Một mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân trên địa bàn huyện Ea H'leo.

Cùng với việc làm cầu nối để nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh nhất, các cấp hội còn xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho bà con tham quan, trao đổi kinh nghiệm; phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế vào sản xuất.

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập.

 

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ea H’leo cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân hơn 77 tỷ đồng cho 1.592 hộ vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 432 tỷ đồng, với 11.088 khách hàng còn dư nợ; nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả.

Ông Lê Xuân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea H'leo cho biết, nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nhu cầu vốn để bà con đầu tư vào cây trồng, vật nuôi mà đại đa số hộ vay đều duy trì được việc làm, có thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phối hợp Phòng giao dịch NHCSXH huyện tích cực cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để bà con có vốn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Tăng cường chỉ đạo cấp hội cơ sở thực hiện tốt những nội dung ủy thác, tập trung công tác quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi; nêu gương người tốt việc tốt, các mô hình làm ăn kinh tế sử dụng vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao.

Minh Chi – Dân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.