Multimedia Đọc Báo in

Khánh thành Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita

14:47, 19/07/2023

Sáng 19/7, tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita.

Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita được đầu tư trên diện tích gần 1 ha, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, công suất 40.000 tấn/năm, chuyên chế biến trái sầu riêng tươi và bóc múi. Nhà máy hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 cán bộ quản lý và công nhân.

Đại biểu tham quan Nhà máy Chế biến sầu riêng Sarita.
Đại biểu tham quan Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên Vũ Phi Hổ cho biết, công ty chính thức có mặt tại Tây Nguyên được 3 năm nay, tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất các ngành hàng có giá trị kinh tế đứng hàng đầu trong ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Công ty cam kết sẽ xây dựng Sarita trở thành thương hiệu riêng của sầu riêng Tây Nguyên, được thị trường quốc tế ưa chuộng. Theo đó, Sarita sẽ đồng hành cùng các HTX, doanh nghiệp và nông hộ nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của quả sầu riêng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên Vũ Phi Hổ phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên Vũ Phi Hổ giới thiệu về quá trình hình thành của Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita trong khuôn khổ buổi lễ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn nhấn mạnh, những năm gần đây nông sản Việt Nam có nhiều chuyển biến về xuất khẩu. Theo Bộ NN-PTNT, năm 2023 dự kiến ngành nông nghiệp sẽ đạt mức xuất khẩu nông sản trên 50 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 10 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có sầu riêng, chiếm khoảng ¼ trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành trái cây Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn phát biểu tại buổi lễ.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn phát biểu tại buổi lễ.

Tại Đắk Lắk, trước đây các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu. Trong khoảng hai năm gần đây, sầu riêng trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ ba, có khả năng sẽ đứng vị trí thứ hai về kim ngạch xuất khẩu trong các ngành hàng nông sản của tỉnh. Đắk Lắk tự hào là địa phương có quy mô trồng sầu riêng lớn của vùng Tây Nguyên, tin tưởng trong tương lai sẽ là tỉnh đứng đầu về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Chế biến sầu riêng Sarita.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, các doanh nghiệp, HTX, nông dân phải hợp tác trong sản xuất, chế biến, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín, góp phần xây dựng, phát triển bền vững đối với ngành hàng sầu riêng. Một nhiệm vụ quan trọng phải làm ngay trong năm nay đó là đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho quả sầu riêng. Việc khánh thành Nhà máy chế biến sầu riêng Sarita là đóng góp rất quan trọng để ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng, sầu riêng của nước ta nói chung phát triển bền vững.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.