Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

08:22, 17/07/2023

Với sự hỗ trợ, đồng hành của Huyện Đoàn Krông Bông, nhiều thanh niên địa phương đã tự tin, mạnh dạn phát triển sản xuất, góp phần từng bước thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn huyện.

Để tạo thêm thu nhập cho gia đình, chị Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (thôn 2, xã Yang Réh) đã tận dụng lại chuồng trại cũ và nuôi thử nghiệm 4 con heo rừng lai. Kinh nghiệm nuôi heo thương phẩm trước đây và sự tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăn nuôi từ người dân địa phương đã giúp đàn heo rừng lai của gia đình chị phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ nên thu nhập không đáng kể.

Năm 2022, được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, gia đình chị vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống, tăng số lượng đàn.

Cùng với đó, chị thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đã tạo điều kiện cho gia đình phát triển sản xuất. Hiện gia đình chị đang nuôi 21 con heo rừng lai, trong đó có hai con heo nái. Trung bình mỗi con heo mẹ sinh sản một năm hai lứa, mỗi lứa từ 8 – 17 con. Với giá heo giống 1,2 triệu đồng/cặp, gia đình chị có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Theo chị Quỳnh, nuôi heo rừng lai theo hình thức bán hoang dã nên rất thuận lợi. Ngoài thức ăn tinh là cám gạo, có thể tận dụng tối đa các nguồn thức ăn từ tự nhiên sẵn có như: các loại rau củ quả, bắp khô và các phụ phẩm trong gia đình… nên tiết kiệm được chi phí đầu tư so với nuôi heo thường mà lại không mất nhiều thời gian chăm sóc. Chị đang tiếp tục nuôi thêm 2 – 3 con heo nái để phát triển quy mô chăn nuôi, tăng nguồn thu cho gia đình.

Mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình chị Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (thôn 2, xã Yang Réh) được sự hỗ trợ từ vốn khởi nghiệp của Huyện Đoàn Krông Bông.

Sau nhiều năm bươn chải với nghề lái xe múc cho các công trình trong và ngoài tỉnh, năm 2019, anh Lê Quang Mạnh (thôn 11, xã Hòa Lễ) đã lựa chọn về quê làm nông nghiệp và tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.

Biết đến mô hình nuôi dúi thông qua các trang mạng xã hội, anh Mạnh đã đến một số trang trại để tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Với sự động viên, khích lệ của Đoàn xã Hòa Lễ và sự giúp đỡ của đoàn viên thanh niên địa phương, anh đã mạnh dạn đưa 34 cặp dúi mốc giống vào nuôi thử nghiệm.

Để tiết giảm chi phí đầu tư, anh đã tận dụng chuồng trại chăn nuôi cũ, trang bị lớp chống nhiệt trên trần, dùng gạch men phân chia thành những chuồng nhỏ 30 – 50 cm2/chuồng để nuôi dúi. Vượt qua khó khăn thời gian đầu, anh dần nắm vững kinh nghiệm chăm sóc và xử lý được hầu hết các tình huống trong chăn nuôi. Hiện anh có  hai chuồng với diện tích 80 m2, nuôi gần 200 con dúi.

Một năm dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 – 5 con. Dúi giống trọng lượng từ 200 – 500 g sẽ bán với giá 1,2 – 1,4 triệu đồng/cặp; dúi bố mẹ có trọng lượng hơn 1 kg, giá bán 2,6 – 3 triệu đồng/cặp; còn dúi thịt anh bán ra thị trường với giá 500.000 đồng/kg.

Tận dụng lợi thế từ các trang mạng xã hội, anh đã tạo được địa chỉ uy tín khi bán qua trang Facebook, Zalo, Youtube… Qua đó, hằng năm gia đình anh xuất bán khoảng hơn 100 con dúi giống và một số loại dúi thịt, dúi bố mẹ, mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm. Không chỉ tập trung nuôi giống dúi mốc, hiện tại anh đang nuôi thử nghiệm thêm 20 con dúi má vàng.

Cán bộ Đoàn xã Hòa Lễ tham quan mô hình nuôi dúi của gia đình anh Lê Quang Mạnh (thôn 11, xã Hòa Lễ).

Anh Mạnh chia sẻ: “Nuôi dúi khá nhàn. Là loài gặm nhấm, chúng không cần uống nước, buổi sáng chỉ cần cho ăn bắp và một đoạn mía dài 3 – 10 cm, buổi chiều cho ăn thân cây tre già và cám gà. Do vậy, chuồng trại nuôi rất sạch sẽ, không có mùi hôi, đồng thời phân của chúng có thể bón trực tiếp cho cây trồng mà không cần xử lý”. Tuy nhiên những năm gần đây, do biến đổi thời tiết nên việc chăn nuôi của anh gặp một số khó khăn, dẫu vậy anh đang đầu tư xây mới chuồng trại, mở rộng diện tích lên 180 m2, thiết kế không gian thông thoáng, trần nhà cao hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, ngoài việc giúp thanh niên tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Bông còn trao nguồn vốn khởi nghiệp cấp huyện cho 6 mô hình, mỗi mô hình trị giá 20 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ thanh niên làm đề án vay vốn của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh; thành lập một tổ hợp tác may mặc cho thanh niên xã Hòa Thành, được vay vốn 100 triệu đồng của Trung ương Đoàn. Không chỉ thường xuyên sâu sát, động viên tinh thần vươn lên của thanh niên, hằng năm, Huyện Đoàn đều phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo đánh giá của Bí thư Huyện Đoàn Krông Bông Nguyễn Việt Hòa, phong trào khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, các bạn trẻ đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ và khó khăn về nguồn vốn. Huyện Đoàn đang tích cực khuyến khích, đồng hành cùng thanh niên phát triển sản xuất, đặc biệt là theo hướng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, từng bước lan tỏa, thúc đẩy tinh thần lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ tại địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.